Thị trường

Bộ Công thương mạnh tay, "kịch bản bênh EVN" có lặp lại?

Bộ Công thương vừa ra chỉ thị yêu cầu Petrolimex và EVN sớm công khai giá thành điện, xăng dầu cũng như lương, thưởng của lãnh đạo và nhân viên trong ngành.

Tuy nhiên, dư luận vẫn ngờ vực việc Bộ Công thương quyết mạnh tay với điện, xăng có đạt được hiệu quả cuối cùng là công khai, minh bạch giá, có lợi cho người tiêu dùng hay không vì trước đó Bộ Công thương từng được đánh giá đã bênh EVN, còn kết quả thanh tra của EVN cũng từng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm sau đó phủ nhận.

Công khai giá thành điện, xăng dầu

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại chỉ thị số 11 ngày 22/4, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thực hiện công bố giá điện theo cơ chế giá thị trường, công khai minh bạch các yếu tố cấu thành giá bán điện và phương án điều chỉnh giá bán điện.

Cụ thể, các đơn vị này phải công khai biến động các thông số đầu vào các yếu tố cấu thành giá điện bình quân cơ sở, các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh điện chưa tính vào giá bán điện hiện hành được phép thu hồi, mức giá bán điện bình quân cơ sở, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (nếu có), cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành, biểu giá bán lẻ điện và nguyên tắc xây dựng biểu giá bán lẻ điện, tính toán tác động của việc điều chỉnh giá bán điện đến các thành phần sử dụng điện. Đặc biệt, EVN sẽ phải công khai báo cáo kiểm toán, kết quả sản xuất kinh doanh…

Giá xăng mới được điều chỉnh lên mức 24.900 đồng/lít vào ngày 22/4

Vụ Thị trường trong nước, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) và các đơn vị liên quan sớm công khai giá xăng dầu, các yếu tố hình thành giá, việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.

Ngoài việc phải công bố thông tin về thông tin thị trường xăng dầu, các doanh nghiệp xăng dầu phải công khai, minh bạch giá cơ sở, kết cấu hình thành giá cơ sở, mức trích lập, số dư và quản lý sử dụng Quỹ bình ổn, công khai báo cáo kinh doanh, báo cáo kiểm toán…

Petrolimex và EVN cũng phải công khai tình hình tài chính, hiệu quả sử dụng và bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các khoản thu nhập bình quân của người lao động, tiền lương, thù lao tiền thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp…

Cục Điều tiết điện lực định kỳ hàng tháng phải công bố thông tin về giá điện theo cơ chế thị trường; hàng quý hoặc trước khi điều chỉnh giá phải công khai các yếu tố cấu thành giá hoặc phương án điều chỉnh giá. Vụ Thị trường trong nước phải công bố hàng ngày giá xăng dầu thế giới. Vụ Tài chính 6 tháng một lần công bố kết quả sản xuất kinh doanh của EVN, Petrolimex và báo cáo giám sát tài chính, hàng năm thực hiện công bố báo cáo quyết toán tài chính đã được kiểm toán của 2 doanh nghiệp này.

Vụ Tổ chức cán bộ công bố các khoản thu nhập, tiền thưởng, thù lao bình quân hàng tháng của cán bộ viên chức của Petrolimex và EVN trên website Bộ Công thương.

Kịch bản EVN có lặp lại?

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã từng chỉ ra hàng loạt những sai phạm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên quan đến việc EVN đã tính chi phí xây biệt thự, sân tennis, bể bơi... vào giá điện.

Cụ thể là 6 dự án nguồn điện của EVN ều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nhưng ược xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng.

EVN phải thực hiện công bố giá điện theo cơ chế giá thị trường, công khai minh bạch các yếu tố cấu thành giá bán điện và phương án điều chỉnh giá bán điện.

Tại nhiều cuộc họp báo sau đó, đại diện Thanh tra Chính phủ liên tiếp khẳng định những kết luận của mình đưa ra là đúng.

Thủ tướng đã chủ trì riêng một cuộc họp về việc xử lý sau thanh tra tại EVN với đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ, EVN... Thủ tướng khẳng định Thanh tra Chính phủ đã thanh tra EVN nghiêm túc, có trách nhiệm.

Bất ngờ, trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 26/1, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh lại khẳng định trong 6 dự án đầu tư, chỉ 1 dự án trên 60 tỷ đồng được tính vào giá bán điện, còn lại 5 dự án đang trong quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh còn bày tỏ quan điểm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Cũng trong phiên chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/4 vừa qua, về vấn đề EVN đưa chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis vào giá điện Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nói: "Chúng tôi nghĩ rằng, đối với những công trình xa như vậy, độc hại như vậy, thu hút cán bộ, người lao động đến làm việc rất khó khăn. Cho nên, việc tạo điều kiện an tâm cho cán bộ công nhân viên làm việc ở đó bằng cách xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi là điều chắc rằng dư luận nhân dân cũng thấy hợp lý”.

Sau đó, đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (đoàn đại biểu Đà Nẵng) cho biết “Bộ Công thương bênh EVN là không được”.

Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào ngày 7/4, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Bộ Công thương không bênh EVN”.

Ông Đỗ Thắng Hải cho biết thêm rằng, Bộ Công thương không bênh bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp nhà nước, bênh trước hết là người tiêu dùng.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo