Bộ Công Thương thanh minh hộ
Tiền lương của EVN thực hiện theo quy định
Xác nhận về các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành của EVN tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước công bố, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: Hiện EVN đầu tư ngoài ngành tổng số tiền là hơn 2.108 tỉ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, chiếm tỉ lệ 4,22% trên tổng vốn đầu tư. Cụ thể, tiền đầu tư vào các DN BĐS chỉ có 79,5 tỉ đồng, đầu tư vào NH An Bình là 114,9 tỉ đồng, vào Cty tài chính Điện lực là 1.000 tỉ đồng. Hiện NH An Bình và Cty tài chính Điện lực đang hoạt động có lãi. Nguồn vốn đầu tư và kinh doanh các hoạt động trên đều do EVN tự vay thương mại và huy động từ xã hội, không phải do ngân sách cấp hoặc được vay ưu đãi. Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN đang lên lộ trình thoái vốn ra khỏi các DN này để tập trung vào hoạt động kinh doanh điện.
Liên quan đến lương của CBCNV ngành điện, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: Theo quy định, đơn giá tiền lương của Cty mẹ EVN là do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, cho phép trên cơ sở căn cứ vào kế hoạch sản xuất điện hằng năm. Năm 2010, đơn giá tiền lương của EVN được quy định bằng 95% đơn giá năm 2009, tức là bằng 5.434đ/1.000kWh. Đơn giá này sẽ nhân với sản lượng điện cả năm thì ra tổng quỹ lương.
Chia sẻ về việc tăng giá điện từ 20.12.2011 và yêu cầu minh bạch thông tin sản xuất kinh doanh điện, ông Vượng cho biết: Việc tăng giá điện ở mức 5% mà EVN đề xuất và được Bộ Công Thương chấp thuận là căn cứ theo các văn bản pháp luật hiện hành. Ông cũng cho biết, nếu theo tính toán trước đó của liên bộ: Tài chính - Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì dự kiến đợt điều chỉnh này phải tăng là 11,76%, tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ các yếu tố, nên EVN chỉ trình giới hạn ở mức 5%.
Kinh doanh xăng dầu: Lãi lớn vì được… bù lỗ
Cũng trong cuộc họp sáng qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương có lý giải khác về công bố kết quả lỗ, lãi của TCty Xăng dầu Petrolimex. Theo công bố của Bộ Tài chính ghi rõ: Năm 2008 Petrolimex lãi từ kinh doanh xăng dầu là 642 tỉ đồng. Tuy nhiên Bộ Công Thương lại cho rằng, trong các năm từ 2008-2011, chỉ duy nhất năm 2009, Petrolimex có lãi là 2.660 tỉ đồng. Năm 2008, thực chất kinh doanh xăng dầu bị lỗ 11.945 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là năm nhà nước vẫn phải bù lỗ cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, nên khoản lỗ này đã được xử lý, cụ thể là: Ngân sách nhà nước bù lỗ các mặt hàng dầu là 10.775 tỉ đồng (làm tròn số); Bộ Tài chính tạm ứng từ ngân sách tương ứng với số lỗ hoạt động kinh doanh xăng lũy kế (đến 21.7.2008): 1.812 tỉ đồng. Tổng số là: 12.587 tỉ đồng. Sau khi được bù lỗ, Petrolimex được lãi 642 tỉ đồng. Bộ Công Thương cũng cho biết, năm 2010: Kinh doanh xăng dầu lỗ 172 tỉ đồng; 9 tháng đầu năm 2011, lỗ tiếp 2.134 tỉ đồng.
Về chi phí kinh doanh định mức, theo Bộ Công Thương, hiện đang có bất hợp lý trong việc tính chi phí định mức kinh doanh xăng dầu khiến có thời điểm, do chi phí không đủ bù đắp, thị trường đã có biểu hiện đứt nguồn cung. Tại công văn số 4639/BTC-QLG, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến Bộ Công Thương về việc sửa đổi thông tư 234 hướng dẫn cơ chế quản lý, hình thành và sử dụng quỹ bình ổn giá. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh chi phí bán lẻ bình quân các địa bàn vùng 1 đối với xăng, dầu diesel, dầu hỏa tối đa là 860đ/lít (mức hiện nay là 600 đ/lít). Chi phí bán buôn bình quân các địa bàn vùng 1 với madut tối đa là 500 đ/lít/kg (mức hiện nay là 400 đ/lít). Bộ Công Thương cho rằng, chính vì việc chậm sửa đổi định mức này đã gây khó khăn cho việc duy trì hệ thống đại lý xăng dầu. “Do thù lao quá thấp, thu không đủ chi đã dẫn tới những năm gần đây, ngày càng nhiều đại lý, cây căng đóng cửa, nghỉ bán hàng. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Petrolimex phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, chấp nhận lỗ để duy trì hệ thống không để đứt nguồn cung và không được tính khoản chi vượt định mức quy định vào giá xăng”- ông Vượng nói.
Tuy nhiên điều này xem ra lại ngược với kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính. Cụ thể theo kết quả này thì các đại lý đã lãi lớn nhờ hưởng hoa hồng cao. Thậm chí từ việc DN mẹ lỗ nặng, DN con và đại lý lãi lớn đã tạo nên nghi án “chuyển giá” từ Petrolimex sang các đại lý.
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo