Thị trường

Bộ Công Thương vẫn muốn đưa dự án thép Cà Ná vào quy hoạch

(DNVN) - Tại danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035 được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo Nghị Quyết có tên dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen.

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Đáng chú ý, tại danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035 có dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen đã từng gây xôn xao dư luận vừa qua.

Theo dự thảo của Bộ Công Thương, khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận giai đoạn 1 do Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa xác định thời điểm triển khai. Nhưng tổng thể, dự án này dự kiến được đầu tư thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 2 thực hiện đến năm 2022. Giai đoạn 3 là năm 2025. Giai đoạn 4 năm 2028 và giai đoạn 5 là 2031.

Phối ảnh dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận.

Dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường. Trả lời trên diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ kiên quyết từ chối dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. 

Theo Bộ trưởng, dự án thép Cà Ná đã có quy hoạch từ trước nhưng do khủng hoảng về năng lực của chủ đầu tư, dự án thép Cà Ná sau đó được đưa ra khỏi quy hoạch. Và đến cuối năm 2015, dự án tiếp tục được nghiên cứu thì tập đoàn Hoa Sen xin làm dự án với các cam kết đảm bảo về công nghệ, môi trường.

Theo Bộ Công Thương, quá trình rà soát Quy hoạch cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

"Nếu chúng ta không phát triển các dự án Khu liên hợp luyện thép lò cao để sản xuất các loại thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo sẽ có một nghịch lý là sở hữu lượng quặng sắt rất lớn và các chất trợ dung, phụ liệu sản xuất nhưng ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp quốc phòng và đóng tàu phục vụ kinh tế biển lại phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu với khối lượng lớn. Điều này gây ra tình trạng nhập siêu lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước", Bộ Công Thương cho biết.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo