Xã hội

Bỏ gây tê tủy sống khi sinh với bệnh nhân đặc biệt: Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì?

“Một số y bác sĩ cứ nghĩ gây tê tủy sống cũng được, nhưng thực ra 10 ca thì có thể có một ca biến chứng tụt huyết áp, chảy máu, thậm chí nguy cơ ngừng tim, việc cấp cứu cực kỳ vất vả, nguy cơ tử vong..."

Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế (kể cả bệnh viện tư) cần sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản thay vì gây tê tủy sống đối với các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… Mặc dù công văn nêu rõ chỉ dừng áp dụng phương pháp gây tê tủy sống với các thai phụ có bệnh lý đặc biệt nhưng mấy ngày qua những tít bài “Cấm gây tê tủy sống trong mổ lấy thai”, “Thay gây tê tủy sống bằng gây mê trong mổ đẻ”... đã khiến dư luận hoang mang, báo Dân trí đưa tin.

Để trấn an dư luận và giải thích rõ về quyết định trên, GS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay trong quy trình mổ lấy thai trên thế giới đa số các bác sĩ dùng kỹ thuật gây mê là gây tê tủy sống. Trong một số trường hợp đặc biệt như người mẹ có bệnh tim, huyết áp; nguy cơ chảy máu như rau tiền đạo, sản giật, tiền sản giật; suy giảm chức năng gan, thận, phổi… thì gây mê toàn thân (hay gọi là gây mê nội khí quản) an toàn hơn cho người bệnh.

Gây tê tủy sống là phương pháp được áp dụng cho 95% sản phụ sinh mổ. Ảnh: Internet

Tại Việt Nam, quy trình này vẫn được thực hiện từ trước đến nay. Tuy nhiên, qua công tác theo dõi, giám sát và thẩm định tử vong mẹ tại các địa phương, cũng như ý kiến phản ánh của một số đơn vị thời gian qua, Bộ Y tế nhận thấy, có một số trường hợp "bác sĩ nghĩ là không sao hoặc sản phụ chót ăn nên vẫn gây tê tủy sống".

“Một số y bác sĩ cứ nghĩ gây tê tủy sống cũng được, nhưng thực ra 10 ca thì có thể có một ca biến chứng tụt huyết áp, chảy máu, thậm chí nguy cơ ngừng tim, việc cấp cứu cực kỳ vất vả, nguy cơ tử vong. Vì thế, để an toàn nhất cho sản phụ, Bộ Y tế có công văn quy định rõ ràng, chuẩn hóa bằng văn bản là cần gây mê toàn thân trong những trường hợp đặc biệt”, Báo NNVN dẫn lời Thứ trưởng Tiến nói.

Để thực hiện kỹ thuật gây mê toàn thân, người bệnh cần phải nhịn ăn, nhịn đói; một số trường hợp chót ăn thì phải hút sạch dạ dày. Công việc này phức tạp hơn rất nhiều so với thực hiện thủ thuật gây tê tủy sống.

Do đó, biện pháp này chỉ được áp dụng với những sản phụ có sức khỏe ổn định. Đối với sản phụ có bệnh lý đặc biệt, các bác sĩ sẽ không sử dụng biện pháp này. Đây là điều đã được thực hiện từ lâu nhằm đảm bảo sức khỏe cho các sản phụ.

Trường hợp sản phụ vừa có bệnh lý nêu trên kèm theo hen phế quản không thể gây mê nội khí quản mà cần gây tê tủy sống nhưng phải lường trước được biến chứng có thể xảy ra, chuẩn bị sẵn sàng có thể cấp cứu được để tránh nguy hiểm cho sản phụ trong cuộc mổ.

 

"Với các sản phụ, nếu có các nguy cơ như trên có thể trao đổi với bác sĩ để có thể gây mê hoặc gây tê tuỷ sống để cuộc sinh mổ được thành công nhất." GS. Nguyễn Viết Tiến cho biết.

Nên đọc
Trung Hùng (Tổng hợp theo báo NNVN, Dân trí)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo