Bộ Giáo dục giải thích như thế nào về văn bằng hệ tập trung và không tập trung?
Sau các hội nghị góp ý về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu chỉnh sửa đưa ra Dự thảo lần 3 trình Chính phủ trong đó có nội dung về hình thức đào tạo.
Tờ trình nêu cụ thể như sau:
Quan điểm 1: hình thức đào tạo trong giáo dục đại học cần quy định theo thông lệ quốc tế là đào tạo tập trung (full time) và đào tạo không tập trung (part time hoặc distance learning) theo thông lệ quốc tế.
Luật Giáo dục cũng quy định “Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”, nghĩa là giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên là hai trụ cột của hệ thống giáo dục quốc dân (đã được thể hiện trong khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân); không phải là hình thức đào tạo.
Giáo dục đại học để cấp văn bằng phải được thực hiện dưới hai hình thức là tập trung và không tập trung.
Trong đó, hình thức tổ chức đào tạo tập trung (toàn thời gian) hàm nghĩa người học phải dành toàn bộ thời gian vào việc học để hoàn thành 01 khóa học (theo thông lệ nhiều nước trên thế giới, người học phải học tối thiểu từ 9 đến 12 tín chỉ cho mỗi học kỳ tại cơ sở đào tạo hoặc nơi thực hành, thực tập);
Hình thức tổ chức đào tạo không tập trung hàm nghĩa người học chỉ dành một phần nhất định thời gian của họ tập trung cho việc học tập để hoàn thành 01 khóa học (theo thông lệ nhiều nước trên thế giới là người học chỉ cần học dưới 9 tín chỉ cho mỗi học kỳ tại cơ sở đào tạo hoặc nơi thực hành, thực tập).
Thực hiện quan điểm này, hình thức đào tạo tập trung và hình thức đào tạo không tập trung sẽ phải thực hiện cùng chương trình, cùng các tiêu chuẩn chất lượng, chuẩn đầu ra… và thực hiện theo cùng một quy chế tổ chức đào tạo theo tín chỉ.
Nếu người học đủ điều kiện về thời gian thì sẽ đăng ký học tập trung, người học không đủ điều kiện về thời gian thì sẽ đăng ký hình thức đào tạo không tập trung.
Các cơ sở giáo dục đại học đảm bảo điều kiện theo quy định đối với mỗi hình thức thì được tổ chức đào tạo theo hình thức đó.
Việc quy định các hình thức tổ chức đào tạo theo thông lệ quốc tế như vậy cũng giúp cho các cơ sở giáo dục đại học thích ứng với sự thay đổi của công nghệ khi áp dụng công nghệ trong tổ chức đào tạo.
Cả cơ sở đào tạo và người học đều có thể kết hợp các hình thức tổ chức đào tạo khác nhau phục vụ nhu cầu học tập đa dạng, suốt đời của mọi người học.
Quan điểm 2: Nên giữ hai hình thức giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên để ổn định theo Luật hiện hành.
Tuy nhiên, để quyết chọn quan điểm nào thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chờ xin ý kiến Chính phủ. Theo quan điểm của Ban soạn thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Quan điểm 1 là phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo