Bộ Giáo dục giữ đề xuất 778 tỷ đồng đổi mới SGK
Tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 không có nhiều thay đổi so với dự thảo đã trình bày trước đó tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Bộ Giáo dục sẽ tổ chức biên soạn chương trình mới, thực nghiệm, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học.
Chính phủ chủ trương thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa, trong đó chương trình mang tính pháp lý, sách giáo khoa là tài liệu quan trọng nhưng không có tính pháp lý. Bộ Giáo dục tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác. Điều này sẽ giúp Bộ chủ động về thời gian và công việc trong quá trình đổi mới chương trình một cách đồng bộ, kịp thời mà vẫn phát huy được lợi ích của chủ trương nhiều sách giáo khoa.
Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện đề án được Bộ Giáo dục đưa ra là 462 tỷ đồng cho các nhiệm vụ: biên soạn, thẩm định và tài liệu tập huấn SGK mới.
Thực hiện góp ý của Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Chính phủ đã xây dựng dự toán bổ sung phần kinh phí cho việc triển khai thực hiện chương trình SGK mới là 316,8 tỷ đồng. Phần kinh phí này sẽ thực hiện nhiệm vụ biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương, cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên; ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh họa theo chương trình mới...
Như vậy, tổng kinh phí để thực hiện đề án là 778,8 tỷ đồng, trong đó dự kiến trên 505 tỷ đồng là từ ngân sách trung ương và trên 274 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Trình bày báo cáo thẩm tra đầu phiên họp chiều 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, Ủy ban nhất trí về cơ bản với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tiễn tại các cơ sở giáo dục của nhiều địa phương, Ủy ban nhận thấy chương trình giáo dục hiện hành vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh. Mặt khác, việc thực hiện cứng nhắc một chương trình chung không phù hợp với học sinh các địa phương, cơ sở giáo dục với đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội rất khác nhau, dẫn đến hạn chế chất lượng, hiệu quả học tập.
Vì vậy, Ủy ban đề nghị ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện bảo đảm thực tế của nhà trường, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật, khả năng tiếp thu của học sinh. Các nội dung được áp dụng trên quy mô toàn quốc, có bổ sung một số thông tin mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương.
Ủy ban cho rằng, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trường lớp là hai yếu tố cơ bản cùng với chương trình, sách giáo khoa cấu thành chất lượng giáo dục. Trong thời gian qua, việc phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông chưa được quan tâm đúng mức, công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên chưa được thực hiện một cách căn bản, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Điều kiện cơ sở vật chất ở đa số cơ sở giáo dục phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện.
Do đó, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông thành công cần bổ sung thêm hai nhiệm vụ: phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp. Ủy ban đề nghị xây dựng các nhiệm vụ này thành các đề án riêng và triển khai sớm, đồng bộ với Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Theo Ủy ban Văn hóa giáo dục, nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục là cần tập trung đổi mới công tác đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm và xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên phục vụ trực tiếp cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Việc này nên giao cho các cơ sở giáo dục có đào tạo về sư phạm thực hiện.
Ủy ban đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù đối với các trường, khoa sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chế độ, chính sách ưu đãi nhằm thu hút người có năng lực, trình độ về làm công tác giảng dạy, quản lý tại các trường, khoa sư phạm và các cơ sở giáo dục phổ thông. Nhiệm vụ đầu tư nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường giao cho UBND cấp tỉnh chủ trì thực hiện, có sự chỉ đạo trực tiếp của các bộ, ngành trung ương mà đầu mối là Bộ Giáo dục.
Dự toán kinh phí của Chính phủ:
- Chi phí biên soạn sách giáo khoa: 321,6 tỷ đồng, gồm:
Biên soạn bộ đề cương sách giáo khoa (tổ chức trại viết, thù lao tác giả, thực nghiệm, trưng cầu ý kiến, thẩm định; tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, phê duyệt): 34 tỷ.
Biên soạn một bộ sách giáo khoa (tổ chức trại viết, thù lao tác giả, thực nghiệm, trưng cầu ý kiến, thẩm định; tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, biên tập, thẩm định, phê duyệt): 287,6 tỷ.
Biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cốt cán cấp tỉnh về quy trình, kỹ thuật tập huấn qua Internet: 2 tỷ.
- Chi phí tập huấn đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa (gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa), xây dựng, thẩm định chương trình: 140,4 tỷ.
Tổng kinh phí dự kiến: 462 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất