Bộ Giáo dục hồi đáp kiến nghị bỏ luyện chữ đẹp
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Trần Thị Thắm cho rằng rèn chữ là một trong nhiều cách dạy cho trẻ tính cận thận, chu đáo. Tuy nhiên nhà trường, phụ huynh không nên quá đề cao việc rèn, luyện chữ đẹp cho trò.
Ngày 25/2, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT Trần Thị Thắm xung quanh kiến nghị bỏ luyện chữ đẹp của TS Vũ Thu Hương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Đừng gây thêm áp lực cho trẻ
PV: TS Vũ Hương và một số chuyên gia cho rằng hiện nay trẻ phải dành nhiều thời gian rèn chữ đẹp. Như vậy là không cần thiết. Xin bà cho biết ý kiến của Bộ GD-ĐT về vấn đề này?
Bộ GD-ĐT không khuyến khích việc cho trẻ rèn chữ bên ngoài nhà trường, nhất là ở các lò luyện viết chữ đẹp. Việc làm như vậy mất quá nhiều thời gian, gây áp lực cho con trẻ và cả phụ huynh. Rèn chữ là một phần nhỏ có trong môn tập viết và có thời lượng nhất định. Chỉ cần giáo viên dạy theo chương trình Bộ ban hành là đạt rồi.
TS Hương cho rằng chỉ cần dạy luyện chữ tốt cho trẻ ở lớp 1, lên các lớp sau hãy để trẻ phát triển tự do thay vì ngày ngày các cháu phải rèn chữ. Ý kiến của bà như thế nào?
Bộ môn tập viết không thể chỉ trong một năm mà kéo dài lên những lớp trên. Thầy cô dạy nghiêm túc trên lớp sẽ dần dần hình thành tính cẩn thận, kiên trì cho học sinh.
Nhưng thưa bà, tính cẩn thận, chu đáo có thể dạy thông qua nhiều hoạt động thú vị khác thay vì việc trẻ phải cặm cụi với công việc dễ khiến các em mệt mỏi, chán nản?
Như đã nói, Bộ không yêu cầu và không khuyến khích nhà trường và các giáo viên đặt nặng việc này. Thầy cô chỉ cần dạy đúng yêu cầu trong chương trình đã đủ để rèn cho trẻ tính chu đáo, cẩn thận rồi. Và việc rèn chữ cho trò chỉ trong các tiết học đó thôi.
Cũng cần nói thêm là rèn cho trẻ viết đúng chính tả, rõ ràng không chỉ riêng môn tiếng Việt mà các bộ môn khác giáo viên luôn phải chú ý chỉnh sửa, uốn nắn cho trò mới mong tốt được.
Rèn chữ: vẫn cần duy trì
PV: Theo bà nét chữ có liên quan đến nết người không?
Có liên quan. Nét chữ nết người muốn nói khi các em được tập viết, được rèn tính cẩn thận. Nhưng tính cẩn thận không có nghĩa anh phải hì hục để rèn chữ quá nhiều. Trong giờ tập viết các em được thầy cô uốn nắn từng chút một, viết cho đúng chuẩn. Khi đã đúng chuẩn là các em viết đẹp rồi. Nhiều trường học sinh không bao giờ đi rèn chữ bên ngoài, các em chỉ học trong giờ tập viết với số tiết nhất định nhưng viết rất đẹp.
PV: Như vậy việc rèn cho học sinh viết đúng viết đẹp vẫn cần, thưa bà?
Việc đó vẫn cần nhưng không nên đề cao, đặng nặng quá.
Tiểu học rèn chữ là vậy nhưng khi lên THCS khối lượng kiến thức lớn hơn, học sinh phải viết nhanh dẫn tới viết xấu, nhất là các cháu viết đẹp thậm chí bị phá chữ như TS Hương cho biết. Vậy thì rèn chữ vẫn phải có ở bậc tiểu học, thưa bà?
Ở tiểu học, ta dạy và hình thành những kĩ năng ban đầu cho học sinh. Viết đúng chính tả, viết rõ ràng thậm chí đẹp là một trong kĩ năng cần có.
Lên THCS học sinh phải học nhanh hơn, việc nắn nót từng chữ một là không thể. Nhưng những em đã viết đẹp ở tiểu học nói chung vẫn giữ được như vậy. Có em không giữ được hẳn như vậy thì xấu đi ở chỗ không thể nắn nót nhưng chữ vẫn rõ ràng, viết đúng. Như vậy yêu cầu bậc tiểu học các em đã đạt được.
Chữ đẹp thời nào vẫn có chỗ đứng. Không có nghĩa khi đã có máy tính, thiết bị công nghệ thông tin là từ bỏ chữ viết, nhất là chữ đẹp. Nhiều văn bản quan trọng hay những bức thư chẳng hạn,…đôi khi vẫn cần viết bằng tay hơn soạn trên máy tính. Tất nhiên, chữ đẹp phải đi cùng viết đúng chính tả mới đọc được.
Cắt xén chương trình để rèn chữ chỉ là cá biệt
PV: Có thực tế không ít giáo viên vì sức ép vở sạch chữ đẹp nên phải cắt xén chương trình, tập trung rèn chữ cho học sinh. Bộ có biết việc này không, thưa bà?
Nội dung, khung chương trình đã có thời khóa biểu cụ thể. Giáo viên làm sao chỉ dành nhiều thời gian cho tập viết được?
Nếu có đây chỉ là hiện tượng cá biệt. Về chuyên môn, nhà trường, các phòng giáo dục phải nắm sát tình hình để giúp các trường điều chỉnh hoạt động dạy và học cho thật tốt.
PV: Thật khó cho giáo viên khi đánh giá hiện nay chủ yếu thông qua môn Toán, Tiếng Việt, thưa bà?
Nói như vậy là không hiểu về giáo dục rồi. Các môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội chấm điểm. Các môn còn lại cũng quan trọng. Nhưng để giảm áp lực về điểm số nên không thực hiện cho điểm mà thay bằng nhận xét.
Như vậy là từng bộ môn đều có vị trí quan trọng nhất định.
Tập viết là 1 trong 5 phân môn của môn Tiếng Việt tiểu học nhằm dạy cho trẻ các kĩ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết và có vị trí quan trọng nhất định.
PV: Rồi còn cả phong trào hay cuộc thi vở sạch chữ đẹp nữa, thưa bà?
Bộ không duy trì cuộc thi này. Phong trào vở sạch chữ đẹp Bộ cũng không chỉ đạo gì chuyện này.
Xin cảm ơn bà!
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo