Bộ Giao thông: Quyền dừng Uber, Grab thuộc về địa phương
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, mới đây, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có văn bản kiến nghị dừng khẩn cấp dịch vụ xe chở khách Uber và Grab.
Tuy nhiên, theo ông Đông, loại hình vận tải có sử dụng công nghệ quản lý vận tải, kết nối đã phổ biến ở nước ta vài năm nay. "Chúng ta đã quen dùng Uber, Grab taxi, nhưng thực tế hiện có 10 hãng áp dụng công nghệ kết nối, không chỉ bằng điện thoại mà còn trên nhiều nền tảng công nghệ khác, mang lại thuận lợi cho người sử dụng", ông Đông nói.
Lãnh đạo Bộ Giao thông cho biết, về thẩm quyền, Thủ tướng đã cho thí điểm và đang triển khai tại các đô thị. Theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh, thành phố quản lý giao thông trên địa bàn, gồm phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có cả quản lý quy hoạch giao thông (Quy hoạch phát triển hạ tầng, quy hoạch lượng xe, tổ chức các loại hình vận tải…).
Cũng theo vị này, tất cả các yếu tố này phải được xác định từ quy hoạch phát triển hạ tầng, từ mức độ phát triển hạ tầng hiện hữu… Số lượng sẽ được xác định thông qua quy hoạch. Việc kiểm soát số lượng phương tiện theo loại hình nào là thẩm quyền của các địa phương.
"Đây là kiến nghị của Hiệp hội Vận tải, địa phương sẽ xem xét, tuỳ theo điều kiện hạ tầng giao thông cụ thể của các địa phương, có thể quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển hạ tầng của địa phương", ông Đông nói.
Trước đó, Hiệp hội taxi Hà Nội đã văn bản đơn kiến nghị gửi Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội… đề nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber do những bất an gây ra cho xã hội.
Hiệp hội taxi Hà Nội nêu rõ, với 44.000 xe hoạt động tại Hà Nội và 36.000 chiếc tại TP. HCM, tổng lượng xe taxi và xe hoạt động như taxi dưới hình thức xe hợp đồng điện tử đã vượt xa so với quy hoạch.
Hiệp hội taxi Hà Nội yêu cầu báo cáo các sai phạm của chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ Giao thông Vận tải ban hành bằng Quyết định 24 ngày 7/1/2016.
Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng Quyết định 24 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sai trái của Uber và Grab.
Do đó, Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.
Bộ Giao thông Vận tải phải ban hành ngay văn bản để các địa phương dừng cấp phù hiệu các xe tham gia thí điểm chứ không phải việc dừng mở rộng các doanh nghiệp tham gia thí điểm.
Bên cạnh đó, bản chất của Uber, Grab là kinh doanh dịch vụ phần mềm tham gia hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện (xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi). Do đó Uber, Grab phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, trước khi có quy định quản lý chính thức để quản loại hình kinh doanh này, cơ quan quản lý cần ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo... của các xe thí điểm đảm bảo rõ ràng, dễ nhận biết. Sở Giao thông vận tải địa phương là nơi in, cấp phát logo nhận diện.
Hiệp hội này yêu cầu các công ty kiểu Uber và Grab vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa không trái với thông lệ quốc tế. Cụ thể đó là phải đặt máy chủ tại Việt Nam, sử dụng tên miền Internet của Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ Giao thông Vận tải. Định kỳ các Công ty công nghệ phải truyền tải thông tin tự động theo chuẩn về Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải nơi quản lý để phân tích dữ liệu tập trung.
Grab, Uber cũng phải chia sẻ toàn bộ dữ liệu số lượng xe, danh sách xe, dữ liệu giám sát hành trình, số giờ lái xe liên tục quá 4 tiếng, số lần vượt quá tốc độ, số cuốc thực hiện... cho các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngoài ra, một số điểm bất cập của Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng ôtô cũng được Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị sửa đổi. Cụ thể, Nghị định cần bổ sung thêm quy định về phương thức tính tiền theo phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng cho loại hình taxi. Với xe dưới 9 chỗ dùng phần mềm kết nối và tính cước thông qua phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng cần phải gọi tên đúng theo bản chất hoạt động là "taxi đặt xe qua mạng" để thuận lợi trong quản lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc