Bộ GTVT quyết duyệt quy hoạch đường sắt Bắc – Nam
Báo cáo quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam phải hoàn chỉnh trước ngày 10/12/2013 để trình Bộ phê duyệt ngay trong tháng.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải) hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam trước ngày 10/12/2013.
Đường sắt Bắc Nam sẽ được hiện đại hóa, nâng cấp cao hơn phục vụ cho công tác trung chuyển người và hàng hóa
Đường sắt Bắc Nam sẽ được hiện đại hóa, nâng cấp cao hơn phục vụ cho công tác vận chuyển người và hàng hóa
Tại cuộc họp ngày 27/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam đã tương đối hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, ông Thể vẫn yêu cầu đơn vị tư vấn phải đưa ra được cơ sở khoa học về cả lý thuyết và thực tiễn để chứng minh được về tốc độ chạy tàu trong 2 phương án của quy hoạch, rà soát lại các công trình cần phải nâng cấp, cải tạo, nghiên cứu về giải pháp thoát lũ…
Theo báo cáo cuối kỳ của đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT), quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ ưu tiên đưa tuyến đường sắt hiện có đạt mục tiêu khai thác với tốc độ bình quân 80- 90km/giờ với tàu khách và 50- 60km/giờ đối với tàu hàng, cũng như kết nối đường sắt quốc gia với các cảng biển, các khu công nghiệp tập trung, các khu du lịch, nhằm phát huy được hiệu quả của vận tải đường sắt trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với quy hoạch này, đơn vị tư vấn có đưa ra 2 phương án: (i) tốc độ chạy tàu bình quân của tàu khách là 80km/h và tàu hàng là 50km/giờ với khối lượng hành khách đạt 15 triệu hành khách/năm, hàng hóa đạt 5 triệu tấn/năm; (ii) tốc độ chạy tàu bình quân của tàu khách là 90km/h và tàu hàng là 60km/h với khối lượng vận tải hành khách đạt 16 triệu hành khách/năm, khối lượng hàng hóa đạt 6 triệu tấn/năm.
Trước đó, TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện Trưởng Viện Quy hoạch & Quản lý GTVT, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Quy hoạch & Quản lý GTVT- Trường ĐH GTVT, người đã từng đưa ra nhiều phương án hiện đại hóa đường sắt quốc gia, cho rằng nên chọn phương án A2 (tốc độ chạy tàu khách bình quân 90 km/h, tàu hàng 60 km/h trên đường đơn khổ 1m. Thời gian chạy tàu Hà Nội - TP.HCM còn hơn 25 giờ. Tổng mức đầu tư ước tính 1,8 tỉ USD).
Theo TS Bình, phương án này phù hợp về khả năng tài chính nhưng chỉ dừng ở mức cải tạo nâng cấp đường sắt hiện hữu, chứ không thay đổi đáng kể về năng lực vận tải và tốc độ.
Còn TS Phan Vỵ Thủy, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam thì tỏ ý đợi Nhà nước cân nhắc cho phép nghiên cứu dự án và đánh giá tính khả thi, khi đó mới đưa ra bình luận. Tuy nhiên ông Thủy cũng bày tỏ quan điểm về chủ trương làm đường sắt tốc độ cao thay vì đường sắt cao tốc là thích hợp.
“Đường sắt hiện hữu của nước ta thuộc loại đường sắt cấp thấp, không còn đáp ứng yêu cầu vận tải đường sắt trong tương lai, nó không nên tiếp tục tồn tại như vậy và cần được thay thế bằng một đường sắt tốt hơn”, TS Thủy nói.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo