Bộ Lao động đề xuất tăng lương tối thiểu 2018 ở mức 6,5%
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, Bộ đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng từ 180.000 đồng – 230.000 đồng so với hiện nay.
Theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quy định mức lương tối thiểu vùng áp 4 mức như sau: Mức 3,98 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng I; mức 3,53 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng II; mức 3,09 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với vùng III và mức 2,76 triệu đồng/tháng áp dụng đối với vùng IV.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức lương tối thiểu trên (tăng từ 180.000 đồng – 230.000 đồng so với hiện hành năm 2017, tương ứng với mức tăng theo tỷ lệ phần trăm từ 6,1 - 7% tùy theo từng vùng, mức bình quân tăng 6,5%) được tính toán dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2017 dự kiến khoảng 4% - 4,5% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động; cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 2% - 2,5% để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động. Nếu thực hiện theo phương án nêu trên thì đáp ứng được khoảng từ 92 - 96% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tùy theo từng vùng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đề xuất phương án điều chỉnh nêu trên đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp (dự báo tăng bình quân khoảng 0,55 – 0,6%, trong đó ngành dệt may, da giầy tăng khoảng 1,15 – 1,2%, từng bước đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và có cân đối với tương quan tiền lương của các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, mức điều chỉnh nêu trên đã có tính toán đến quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được mở rộng từ năm 2018 (người lao động ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) và tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội có sự thay đổi (tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đóng theo mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác), trong đó Chính phủ đã có giải pháp giảm 0,5% tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Nghị định số 44/2017/NĐ-CP) và đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 0,5% tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động (Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 7/4/2017 của Chính phủ).
Về địa bàn áp dụng, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ đề xuất cơ bản giữ nguyên 4 vùng và danh mục địa bàn ở 4 vùng theo quy định tại Nghị định số 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 của Chính phủ; nhưng có xem xét, cân đối điều chỉnh, bổ sung một số địa bàn áp dụng theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương.
Cụ thể, điều chỉnh phân vùng từ vùng II lên vùng I đối với thị xã Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai; từ vùng III lên vùng II gồm: Huyện Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai, huyện Thủ Thừa thuộc tỉnh Long An và thành phố Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam; từ vùng IV lên vùng III gồm: Huyện Phú Ninh thuộc tỉnh Quảng Nam, huyện Lộc Ninh và Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước. Bên cạnh đó, điều chỉnh huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình từ vùng III xuống vùng IV.
Về thời điểm áp dụng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất quy định này được thực hiện từ ngày 1/1/2018.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Quyết liệt và toàn diện hơn trong tái thiết, phục hồi sau thiên tai
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg