Bộ Tài chính: Cân nhắc tác động khi tăng giá điện
Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành tài chính năm 2015 diễn ra ngày 24-12, Bộ Tài chính cho hay trong năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai, bám sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế….
Trong đó, điều hành giá xăng dầu và điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. “Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh tăng giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để ít tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân” - Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh giá điện cần cân nhắc thời điểm cho phù hợp, tránh tác động lớn đến tâm lý thị trường. Đồng thời cần thực hiện công khai, minh bạch về giá và giá thành sản xuất, kinh doanh để người dân hiểu và đồng thuận.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết trong số các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện thì giá khí và than đã được điều chỉnh. Cụ thể, giá khí bán cho điện từ ngày 1-7-2014 bằng 80% giá thị trường. Dự kiến từ ngày 1-1-2015, giá khí sẽ thực hiện bằng giá thị trường, tránh trường hợp chênh lệch giá dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà máy nhiệt điện khí. Cùng với đó, giá than bán cho điện cũng đã được điều chỉnh hai đợt nhưng mới chỉ bằng 86%-91% giá thị trường xuất khẩu.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giá các mặt hàng đầu vào này sẽ sớm được thực hiện. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá khí cho điện cần được xem xét, tính toán mức độ và lộ trình cụ thể, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố đầu vào khác đối với sản xuất điện (cơ cấu sản lượng điện phát, biến động giá nhiên liệu than, dầu; chênh lệch tỉ giá,…), tránh mức tăng đột biến đối với chi phí sản xuất điện.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh trong năm tới sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu như điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu,... Đồng thời điều hành theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho hay ông ủng hộ quan điểm điều hành giá điện của Bộ Tài chính. “Giá điện rất quan trọng với nền kinh tế nên phải cân nhắc việc tăng hay không. Đặc biệt là tính toán kỹ các yếu tố đầu vào của giá thành điện” - TS Long nói.
Theo TS Long, thực tế tình hình nước về các thủy điện năm nay tương đối dồi dào, nguồn này chiếm 40% sản lượng điện; giá dầu diesel giảm; hiện tình hình sản xuất điện không phải là vấn đề căng thẳng. “Do đó tăng giá điện thời điểm này là không hợp lý” - TS Long nêu quan điểm và cho rằng việc ngành điện chưa báo cáo lỗ lãi cả năm ra sao, đầu tư ngoài ngành ra sao và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải công khai được giá thành thì mới tính được chuyện điều chỉnh giá hay không.
Trước đó, ngày 25-7, Bộ Tài chính và Công Thương đã lập tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất điện tại EVN và các đơn vị thành viên. Dự kiến trong tháng 12, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2013 của EVN.
Năm 2015: Siết chi hội họp, không tăng biên chế, không mua xe công Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay xử lý nợ đọng thuế đã thu được kết quả bước đầu, song số nợ đọng thuế còn lớn; vẫn còn xảy ra vi phạm trong hoàn thuế GTGT,... Tình trạng bố trí, sử dụng kinh phí dàn trải, lãng phí, thiếu hiệu quả, chi sai chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức vẫn còn xảy ra ở một số địa bàn, đơn vị.
Do vậy tư lệnh ngành tài chính cho rằng để thực hiện hoàn thành mục tiêu thu ngân sách nhà nước 2015, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tiết kiệm gắn với hiệu quả công việc; tăng cường kỷ cương trách nhiệm trong các hoạt động chi, nhất là chi cho hoạt động hội họp, hội thảo, đi công tác nước ngoài, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành… Đặc biệt nhất quán không mua xe công, trừ xe chuyên dụng theo quy định. Mặt khác, các bộ, ngành thực hiện nghiêm không tăng biên chế trong năm 2015, kể cả thành lập thêm tổ chức mới, bổ sung nhiệm vụ mới cho cán bộ.
Ngoài ra, bộ máy hải quan, thuế phải thu gọn quy trình, đồng thời tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp giám sát. Cụ thể, tập trung rút ngắn số giờ nộp thuế, phấn đấu trong năm 2015 đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN-6 (là 171 giờ/năm, trong đó rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 121,5 giờ; thời gian làm thủ tục bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ). “Chính sách thuế của Nhà nước là tốt, nhiều chính sách như “thảm đỏ” nhưng để đi vào cuộc sống lại có nhiều thủ tục rườm rà, “thảm đỏ” ấy từ trung ương về đến địa phương có rất nhiều chông gai” - Bộ trưởng Dũng nêu thực tế. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững