Bộ Tài chính: Không thu phí mới "hành" người dân?
Lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) khẳng định, không có chuyện phát sinh thêm loại phí mới “hành” người dân. Đồng thời, chuyện thu phí, lệ phí đảm bảo nguyên tắc không trùng, không tùy tiện.
Sáng 11/4 Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo làm rõ thêm một số thông tin liên quan tới Pháp lệnh Phí và Lệ phí, cũng như câu chuyện thu “phí trùng phí” tại nhiều bộ, ngành, địa phương hiện nay.
Phí “làng”, lệ làng… không phải là phí
Theo Bộ Tài chính, danh mục các loại phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và Lệ phí năm 2002 gồm 301 khoản phí và lệ phí. Nhưng trong thực tế chỉ có 280 khoản phí, lệ phí được thực hiện, còn 21 khoản vẫn trong diện chưa thu do chưa phát sinh trong thực tế.
Ngoài 20 khoản phí Chính phủ đã phân cấp thực hiện cho HĐND cấp tỉnh, Chính phủ còn phân cấp thêm cho địa phương quyết định mức thu và quản lý, sử dụng đối với các khoản phí khác, như: phí thủy lợi, học phí, viện phí, phí bảo vệ môi trường… Đây cũng chính là nguyên do phát sinh những tiêu cực trong thu phí tại các địa phương hiện nay.
Bộ Tài chính cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện Pháp lệnh có ý kiến phản ánh về tình trạng chậm bãi bỏ các khoản phí, lệ phí không đúng quy định, hoặc ban hành không đúng danh mục tại một số địa phương.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) lại cho rằng, nếu nói theo lối dân gian thì “vừa gà vừa chó bó lại cho tròn” nhiều người sẽ tá hỏa vì sao mà lắm loại phí thế, song thực tế không phải thế. Tùy từng hành vi sẽ chịu sự điều chỉnh của từng loại phí, lệ phí khác nhau.
“Đố ai tìm được một doanh nghiệp nào chịu tất tần tật các loại phí, lệ phí. Không có đâu! Anh không vào bến cảng thì làm sao phải chịu phí bốc dỡ ở cảng, phí truyền tải container… Còn những loại phí ở làng, xã… là phí tự nguyện không phải là phí chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Chúng tôi khẳng định trong quá trình thực hiện thu phí, lệ phí theo Pháp lệnh không phát sinh loại phí mới, cũng không thu tùy tiện, thu trùng”- ông Nghĩa cam đoan.
Với những trường hợp bộ, ngành, địa phương đề xuất “đẻ” thêm nhiều loại phí, lệ phí, ông Nghĩa cho hay, nhu cầu, ý tưởng bao giờ cũng rất phong phú, nhưng phí ban hành bắt buộc phải có trong danh mục nhóm của Pháp lệnh và chi tiết theo Nghị định của Chính phủ. Để ra được một loại phí mới đòi hỏi phải phê duyệt ở cấp cao pháp lý cao hơn và phải có đánh giá tác động các loại phí này tới xã hội.
“Dù bộ, ngành hay địa phương nào đó có đề xuất thêm loại phí thì cũng không có cơ sở pháp lý nào để ban hành”- ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói thêm.
Để việc quản lý thu phí, lệ phí được chặt chẽ hơn, tới đây Pháp lệnh Phí và Lệ phí sẽ được nâng lên thành Luật Phí và Lệ phí.
Phí, lệ phí thu không trùng, không tùy tiện
Trên thực tế, chưa bao giờ người dân phải nộp và có lẽ sẽ còn phải nộp nhiều loại phí và lệ phí với mức thu cao như hiện nay. Ngành chức năng cứ đưa ra mức thu và người dân chỉ biết nộp mà không có sự lựa chọn nào khác bởi hầu hết các khoản phí, lệ phí đều đánh vào tiêu dùng thiết yếu và cũng không biết kêu ai. Dù lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, không có chuyện thu phí trùng phí gây khó cho người dân, doanh nghiệp, song những câu chuyện cụ thể đang diễn ra trong thực tế lại đặt ra nhiều dấu hỏi.
Đơn cử, chuyện thu phí bảo trì đường bộ đã được áp dụng từ 1/1/2013, nhưng dư luận vẫn không ngớt đặt nghi vấn, cơ quan chức năng đã cố tình “đẻ” thêm ra loại phí, cố tình thu "phí chồng phí" để người dân “gánh” đủ. Sự chồng chéo nằm ngay trong quy định của pháp luật, khi theo Nghị định 18 của Chính phủ, ngoài dự án BOT phải thu phí, những tuyến đường xây dựng theo ngân sách thì không thu phí. Nhưng thực tế có nhiều tuyến đường cao tốc xây dựng bằng vốn ngân sách, vốn ODA vẫn thu phí, như cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên không thu phí, nhưng cao tốc Hà Nội – Lào Cai lại thu phí….
“Ở đây không hề có chuyện thu phí trùng phí”- ông Lợi quả quyết và giải thích về dòng phí vẫn là phí sử dụng đường bộ, chỉ thay đổi cách thu. Trước kia danh mục Pháp lệnh quy định đây là phí sử dụng đường bộ, thế nhưng khi có Nghị định 18 của Chính phủ lại quy định cách thu theo đầu phương tiện để dùng số tiền này làm nguồn cho Quỹ Bảo trì đường bộ.
Trước đây, các dự án được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước phí sẽ được thu qua trạm, tiền thu được dùng để bảo trì đường bộ. Đối với đường, trạm được đầu tư theo hình thức BOT thì vẫn thu qua trạm BOT, nhưng tiền này để dùng hoàn vốn đầu tư.
“Một số dự án đầu tư ngân sách nhưng là tiền đi vay ODA thì khi lập dự án cũng phải đưa ra phương án hoàn vốn để trả vốn vay. Ở đây Nhà nước đóng vai trò chủ đầu tư đứng ra vay nên phải thu phí để hoàn vốn trả nợ. Nếu đứng ra vay mà không có phương án hoàn vốn thì chẳng ai cho vay cả”- ông Lợi cắt nghĩa.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Y tế: Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào thừa i-ốt
Dự báo thời tiết ngày mai 8/11 trên cả nước: Hà Nội chuyển rét, có nơi 19 độ, TP Hồ Chí Minh xuất hiện mưa rào
Nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2024
PC Đà Nẵng: Xử lý kịp thời các trường hợp sản lượng điện tăng bất thường
Đà Nẵng: Cấm một số loại ô tô trên Quốc lộ 1 giờ cao điểm
Cột tin quảng cáo