Bộ Tài chính sắp trả "món nợ chục năm" cho công ty chứng khoán
Sau nhiều năm trông đợi, lần đầu tiên quy định về trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán chưa lên sàn (OTC) của khối CTCK, công ty QLQ, dự kiến sẽ được Bộ Tài chính ban hành trong tháng 7 này.
Chứng khoán OTC: không có giá sẽ không phải trích lập?
Khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 228/2009 hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng công nợ khó đòi, dự phòng giảm giá chứng khoán…, đã loại CTCK, công ty quản lý quỹ (QLQ) ra khỏi các đối tượng được trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, khi đưa ra quy định: với các CTCK, công ty QLQ được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán, việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán thực hiện theo quy định riêng...
Vì nhiều năm Bộ Tài chính không ban hành văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, nhất là chứng khoán OTC áp dụng cho CTCK, công ty QLQ, khiến CTCK đối mặt với không ít phiền toái trong hoạt động.
Tuy nhiên, bất cập này sắp được khắc phục, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho hay, dự thảo Thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán, đang được hoàn tất những khâu cuối cùng, để dự kiến trình lãnh đạo Bộ Tài chính ký ban hành ngay trong tháng 7 này.
Theo cơ chế mà Bộ Tài chính đề xuất, điều kiện để trích lập dự phòng là các loại chứng khoán được tự do mua bán trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính có giá thực tế trên thị trường giảm so với giá hạch toán trên sổ sách kế toán. Cách xác định giá để làm cơ sở trích lập dự phòng là: đối với chứng khoán niêm yết, giá chứng khoán được trích lập dự phòng là giá thực tế tại Sở GDCK của ngày gần nhất có giao dịch tính đến ngày trích lập; đối với chứng khoán đăng ký giao dịch (sàn UPCoM), thì giá chứng khoán trên thị trường làm cơ sở trích lập dự phòng là giá giao dịch bình quân trên hệ thống tại ngày gần nhất có giao dịch tính đến ngày trích lập dự phòng.
Riêng chứng khoán chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch, giá chứng khoán thực tế trên thị trường làm cơ sở để trích lập dự phòng là giá trung bình của các mức giá giao dịch thực tế theo báo giá của 3 CTCK được lựa chọn để tham khảo giá tại thời điểm trích lập dự phòng. Trường hợp chứng khoán không có giao dịch thực tế phát sinh, thì không thực hiện trích lập dự phòng.
Để đảm bảo việc trích lập khách quan, trung thực, Bộ Tài chính đề xuất cơ chế: CTCK được lựa chọn báo giá, CTCK và công ty QLQ nhận báo giá để thực hiện trích lập dự phòng phải là các công ty không có quan hệ về lợi ích trong các trường hợp như: có cùng cổ đông lớn, cùng công ty mẹ, có sở hữu chéo…
Trả lời câu hỏi việc Bộ Tài chính đưa ra quy định: không thực hiện trích lập dự phòng đối với chứng khoán không có giao dịch thực tế phát sinh có thực sự hợp lý, bà Hiền cho rằng, khi chứng khoán không phát sinh giao dịch, không có loại hàng hóa tương tự để so sánh, nhằm xác định giá thị trường (giá trị hợp lý), thì rõ ràng không có cơ sở để trích lập dự phòng giảm giá. Việc khó xác định giá thị trường cho chứng khoán xuất phát từ thực tế TTCK Việt Nam có quy mô, thanh khoản còn hạn chế. Điều này khác với các thị trường phát triển trên thế giới, là thị trường luôn sôi động, có tính thanh khoản cao, nên việc xác định giá thị trường để làm cơ sở trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán thường dễ dàng hơn.
Bắt buộc trích 2 loại quỹ
Ngoài hướng dẫn chi tiết về cơ chế trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, dự thảo Thông tư về cơ chế quản lý tài chính đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán, mà Bộ Tài chính sắp ban hành, còn quy định cụ thể nguyên tắc trích lập và sử dụng của một số loại quỹ.
Theo đó, từ phần lợi nhuận được xác định, tổ chức kinh doanh chứng khoán bắt buộc phải trích theo tỷ lệ: 5% vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; 5% vào quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ. Khi việc trích 2 quỹ này đạt số dư bằng 10% vốn điều lệ, thì không trích tiếp. Trong đó, Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ của DN. Còn Quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ sử dụng để bù đắp các thiệt hại, tổn thất về tài sản còn lại xảy ra trong quá trình kinh doanh sau khi được bù đắp bằng tiền bảo hiểm. Tổ chức kinh doanh chứng khoán không được sử dụng 2 quỹ này để trả cổ tức. Sau khi trích lập 2 quỹ, việc phân phối phần lợi nhuận còn lại do ĐHCĐ hoặc HĐTV của tổ chức kinh doanh chứng khoán quyết định.
Theo Đầu tư chứng khoán
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo