Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định dự án đường sắt trên cao không đề cập chặt cây
Theo đó, dự án làm đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư đã được phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, trong dự án không có nội dung chặt cây xanh.
Trước đó, tại buổi Tọa đàm "Từ đề án 6700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội", GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp, chuyên gia tham gia Hội đồng Thẩm định đánh giá tác động môi trường đường sắt trên cao đã cho biết, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đường sắt trên cao, “không có một câu nào trình bày của chủ dự án và tư vấn là sẽ phải chặt tất cả những hàng cây của đường Nguyễn Trãi hay đường Bưởi”.
Theo Giáo sư Đăng, trường hợp quá trình thi công, vận hành không đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường đầu tiên thì phải làm báo cáo đánh giá tác động bổ sung và báo cáo đấy cũng phải được thông qua Hội đồng. Sau đó có quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới được chặt cây.
Trả lời báo chí chiều 27-3, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cũng xác nhận trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không có nội dung chặt hạ cây xanh.
“Vừa qua, theo thông tin các báo nêu thì Hà Nội đã chặt hạ hệ thống cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Trãi để phục vụ thi công dự án này. Nếu đúng như vậy thì đơn vị thực hiện dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung. Hiện nay, Tổng cục Môi trường đã giao các cục, vụ chuyên trách của tổng cục làm việc với đơn vị chủ dự án là Bộ Giao thông vận tải và TP Hà Nội để làm rõ nội dung này”.
Cũng tại buổi họp báo chiều 27/3, liên quan đến dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chưa một lần nhận được thông tin chính thức hay văn bản xin ý kiến tham vấn của tỉnh Đồng Nai về dự án này tại buổi họp báo
Cũng trong ngày hôm nay , Bộ Tài nguyên Môi trường đã có công văn hỏa tốc đề nghị Đồng Nai báo cáo về dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, đặc biệt là công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Vẫn theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực, quan trọng nhất là chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân hạ lưu.
Do vậy, việc triển khai các dự án đầu tư phát triển có nguy cơ tác động xấu đến chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về các tác động môi trường trong phạm vi dự án và tham vấn ý kiến các địa phương nằm ở hạ nguồn lưu vực sông
Để bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức tham vấn ý kiến của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, đặc biệt ý kiến các địa phương thuộc hạ lưu như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu để tạo sự đồng thuận giữa các địa phương trên lưu vực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024