Bố tàn tật thương con gái 2 tuổi bị mẹ bỏ rơi
Trở về thăm anh, sau sự việc vợ bỏ đi đã 3 năm nhưng cho đến tận ngày hôm nay anh vẫn không một lời trách mắng, có chăng chỉ là sự nuối tiếc nhưng bất lực nên anh phải chấp nhận số phận: “Giá như em có thể lao động được, hay chí ít là có thể đi lại được thì em cũng đã giữ được cô ấy ở bên cạnh. Đằng này, em như thằng ăn bám chị ạ, nên cô ấy đi cũng là đúng thôi... Em không trách gì cả, chỉ thương con mỗi lần nó đứng ở ngoài hè ngóng mẹ về nhưng không thấy đâu cả”.
Lời tâm sự của anh Ninh Văn Thương (xóm 19, thôn An Trung, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định) với tôi trong buổi chiều muộn dễ khiến người ta nhớ, người ta thương và xót nhiều hơn khi chạm phải vẻ mặt buồn của bé Minh Anh lúc nào cũng thẩn thơ ngồi cạnh bố. Mẹ bỏ đi đã 3 năm nay, Minh Anh giờ cũng đã là em bé 5 tuổi nhưng trên môi em nụ cười hiếm hoi lắm. Cho dù được ăn ngon hay mặc chiếc váy đẹp thì nét buồn vẫn trên gương mặt thơ ngây ấy. Anh Thương kể: “Thương con lắm, gia đình em ai cũng nói chuyện nhiều với cháu nhưng có lẽ với 1 đứa trẻ, nó cần mẹ nhiều chị ạ”.
Nói rồi anh lại quay sang ôm con, vỗ về và trải lòng với tôi câu chuyện gia đình: “Cách đây 3 năm trong lúc em đang đi lắp cửa cho 1 gia đình tư nhân thì bất ngờ bị 1 cánh cửa dựng ở gần đó rơi đập vào ngang người làm em ngã vật từ tầng 2 xuống. Mọi người đưa em đi cấp cứu ở bệnh viện Việt Đức, em may mắn thoát chết nhưng bị dập tủy, liệt nửa người. Thời gian em đi chữa bệnh cũng mất nhiều thời gian bởi phải chuyển từ Việt Đức sang phục hồi chức năng của bệnh viện Bạch Mai với tổng chi phí hết hơn 100 triệu thì trong đó ông chủ xưởng mộc thuê em làm cho em 15 triệu, còn lại toàn bộ là bố mẹ em đi vay lãi chữa cho em vì em không có bảo hiểm gì cả chị ạ.
Sau tai nạn đó em trở về nhà, cô ấy có chăm sóc em được mấy tháng thì bỏ đi nước ngoài, kể từ đó thì cũng gần như không liên lạc gì với nhau luôn. Thời gian gần đây cô ấy đã trở về Việt Nam và hoàn tất mọi thủ tục li hôn với em, dù tình nghĩa vợ chồng còn nhiều lắm nhưng vì tương lai của cô ấy nên em chấp nhận chị ạ vì em giờ cũng không làm được gì nữa rồi”.
Nhắc đến vợ, anh Thương buồn lắm, gương mặt cúi gằm và đôi mắt đỏ hoe như sắp khóc. Có lẽ với anh, tình yêu dành cho chị còn nhiều quá nên mỗi khi nhắc lại là cảm xúc lại trào lên không kìm nén được. Thấy bố khóc, bé Minh Anh như 1 phản xạ tự nhiên và thân thuộc lon ton chạy đi lấy chiếc khăn lau mặt cho bố rồi vòng tay ôm qua cổ bố như vỗ về, thương yêu. Nhìn 2 bố con lúc này, quả thật tôi cảm nhận rõ lắm một cảm giác ấm áp, yêu thương tràn ngập. Một đứa trẻ đáng thương, không được bàn tay người mẹ chăm sóc lại chính là chỗ dựa cho tâm hồn với quá nhiều những mặc cảm, tổn thương của người đàn ông tàn tật. Hai cha con, với những nỗi buồn riêng những ngày tháng qua đã dựa vào nhau để sống, để tiếp tục ước mơ cuộc đời sẽ khác hơn ... cho dù nó mong manh, le lói.
Kể chuyện về gia đình anh Thương, anh Bùi Văn Trịnh – Trưởng thôn 19, xóm An Trung ngậm ngùi: “Bố con anh Thương thì cả làng ai cũng thương chị ạ. Anh Thương năm nay mới 30 tuổi, cái tuổi sung sức đi làm nhất thì lại gặp tai nạn, giờ phải chấp nhận sống cảnh tàn tật. Cô vợ anh ấy cũng li dị xong rồi, chúng tôi vừa 1 phần trách cô ấy, 1 phần lại thương hại cô ấy. Bé Minh Anh từ nhỏ nó quen sống với bố rồi nên hai bố con quấn quýt lắm, chiều nào đi làm về chúng tôi cũng thấy cô bé đẩy xe lăn cho bố ra ngoài cổng để hóng gió, nhìn tội lắm mà không biết làm sao”.
Cuộc đời của người đàn ông tàn tật giờ chỉ trông chờ vào mỗi cô con gái bé bỏng, nên anh mơ ước có được 1 khoản tiền nhỏ để mở 1 cửa hàng tạp hóa buôn bán kiếm đồng lãi nuôi con. Số tiền ấy gia đình anh từ lâu đã không thể vay được ai bởi khoản nợ khổng lồ năm xưa đi viện vẫn còn đó. Nghe anh nói, hai hàng nước mắt tôi lại ứa ra bởi cái ước mơ nhỏ nhoi tội nghiệp ấy có lẽ cả cuộc đời này anh sẽ không có được nếu không có bàn tay mọi người giúp đỡ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo