Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giá cả phải bình đẳng
Vấn đề giá xăng trong tuần qua lần thứ 3 tăng giá kể từ đầu năm sẽ tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Rồi những vấn đề liên quan sát sườn đến cuộc sống của mỗi người dân như việc quản lý giá sữa, chống chuyển giá và giải pháp của Bộ Tài chính để hạn chế, tiến tới loại bỏ thái độ nhũng nhiễu, cửa quyền của một bộ phận cán bộ trực tiếp làm thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan?
Những điều này sẽ được người đứng đầu ngành Tài chính - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời người dân trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Nguồn VOV)
PV: Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin chuyển đến Bộ trưởng là vấn đề nóng trong tuần qua là việc tăng giá xăng. Theo đó, giữa tuần giá xăng đã tăng lần thứ 3 kể từ đầu năm với mức tăng 30% so với mức giá bán lẻ đầu năm. Một số người dân băn khoăn tại sao mức giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng cao trong thời gian ngắn như vậy?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong thời gian vừa qua giá xăng dầu bán lẻ trong nước của chúng ta đã được điều chỉnh so với thời điểm giá thấp nhất 30% là hợp lý. Bởi lẽ giá xăng dầu thế giới thời điểm hiện nay tính đến đêm ngày 21/5 là 60,72 USD/thùng. Thời điểm thấp nhất là tháng 2/2015 giá lúc đó là 43,9 USD/thùng.
Diễn biến giá xăng dầu thế giới thời điểm hiện nay so với thời điểm thấp nhất đã tăng 38,3%. Trong khi giá bán lẻ trong nước của chúng ta tăng 30%. Điều này cũng khẳng định việc vừa qua chúng ta điểu chỉnh thuế suất bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng lên.
Ví dụ: xăng tăng từ 1000 đến 3000 đồng/lít. Đồng thời chúng ta phải thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế về thuế suất nhập khẩu trong đó có xăng dầu. Theo đó, ngay từ 15/4/2015 chúng tôi đã điều chỉnh giảm thuế suất, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng từ 35% xuống còn 20%.
Theo tính toán của chúng tôi, số chênh lệch do điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu xăng từ 35% xuống 20% lớn hơn số tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1000 đến 2000 đồng. Do vậy, công cụ điều hành của chúng ta về thuế đã phát huy tác dụng và có tác động giảm giá xăng dầu bán lẻ trong nước trong thời gian vừa qua.
PV: Cùng với việc giá xăng tăng như vậy cộng với với giá điện bán lẻ bình quân tăng khoảng 7 % thì nhiều người dân có hỏi thời gian tới sẽ có không ít mặt hàng nhấp nhổm tăng giá. Vậy Bộ Tài chính sẽ giám sát giá cả thị trường như thế nào để không xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm hạn chế các việc lợi dụng việc nhà nước điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu để lợi dụng tăng giá. Thứ nhất, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan về quản lý giá. Thứ hai là tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá kịp thời theo quy định của pháp luật. Thứ ba là tăng cường giám sát chặt chẽ việc kê khai giá danh mục các mặt hàng phải kê khai giá. Thứ tư là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các quy định về giá và xử lý nghiêm các vi phạm.
PV: Chúng tôi xin được chuyển sang vấn đề giá sữa. Thưa Bộ trưởng, một số ý kiến có gửi thư về chuyên mục cho rằng hiện nay việc Bộ Tài chính đang thực hiện việc áp trần giá sữa là biện pháp đi ngược lại quy luật thị trường. Vậy quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này là như thế nào?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Về quản lý giá chúng ta phải quán triệt quản lý giá theo cơ chế thị trường và có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước tôn trọng quyền định giá, tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về giá và theo các cam kết mà chúng ta đã cam kết với các tổ chức quốc tế.
Chúng tôi kiên định rằng doanh nghiệp là phải cạnh tranh, đã cạnh tranh là phải cùng tiêu chuẩn, cùng chất lượng, cùng mẫu mã thì phải lấy giá cả để làm tiêu chuẩn cạnh tranh. Như thế thì người tiêu dùng của chúng ta mới được hưởng lợi, mà sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, hơn 10 triệu trẻ là đối tượng rất nhạy cảm, được cả thế giới quan tâm. Chúng ta không đi ngược lại cam kết quốc tế và chúng ta tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng phải thấy rằng tự do kinh doanh nhưng phải trong khuôn khổ, giới hạn của pháp luật.
Giá cả phải bình đẳng không những trong nước, cùng sản phẩm, cùng mặt hàng phải so với cả khu vực. Việc điều hành vừa qua và tới đây về vấn đề quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi là hoàn toàn đúng pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
PV: Một bà mẹ có con trong độ tuổi uống sữa cho biết: Tôi rất hoan nghênh việc Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì bình ổn giá sữa cho trẻ em. Và mới đây nhất Bộ Tài chính đã yêu cầu các công ty sữa không tính chi phí quảng cáo vào giá sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi là hợp lý. Tuy nhiên, tôi băn khoăn là với việc chi phí quảng cáo chiếm đến 20% giá thành của các sản phẩm sữa này mà mức giảm của sữa chỉ từ 0,4 đến 4% thì liệu đã tương xứng hay chưa? Xin mời Bộ trưởng giải thích rõ hơn về vấn đề này?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong thời gian vừa qua chúng ta triển khai nghị quyết của Chính phủ về áp trần giá sữa thì giá sữa trong hơn 1 năm qua đã giảm từ 0,1 đến 34%. Đồng thời với đó thì triển khai nghị định số 100 năm 2014 của Chính phủ, theo đó chúng tôi đã ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp loại trừ hết các chi phí quảng cáo, khuyến mại không được tính vào giá của sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 2 tuổi. Qua đó đã giảm thêm từ 0,1 đến 4% giá sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi là nằm trong sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, đây là giảm thêm.
Chúng tôi cũng hi vọng trong thời gian tới chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về quản lý giá sữa, cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thì các mặt hàng sữa nói chung cho trẻ em dưới 6 tuổi trong đó có sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi có thể được quản lý tốt hơn và giá cả cạnh tranh hơn để tăng thêm lợi ích cho người tiêu dùng.
PV: Còn một bà mẹ khác thì có chia sẻ, trước đây tôi vẫn cho con dùng sữa lứa tuổi từ 1-3 tuổi. Nhưng sau khi Bộ Tài chính không cho tính chi phí quảng cáo vào giá sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi, thì các hãng sữa đã tách loại sữa đó thành 2 loại là loại dưới 2 tuổi và từ 2-3 tuổi, không biết dinh dưỡng có thay đổi gì hay không mà hãng sữa lập tức tăng thêm 50.000 đồng cho hộp sữa mới. Khi đi mua sữa tôi có hỏi các đại lý thì được nhân viên tư vấn cho biết sữa tách rõ độ tuổi nhưng dinh dưỡng không thay đổi nhiều. Xin hỏi Bộ Tài chính sẽ xử lý như thế nào với các hãng sữa sau khi đăng ký giá trần lại tung ra các sản phẩm thay đổi nhãn mác không đáng kể để tăng giá?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi cũng đã lường đến việc này trong quá trình triển khai Nghị quyết của Chính phủ. Đến khi rà soát hồ sơ kê khai về giá thì các cơ quan quản lý giá sữa cũng đã đối chiếu với hồ sơ, xác nhận và công bố hợp quy của các sản phẩm mới do Bộ Y tế cấp cho doanh nghiệp. Qua đó, cho thấy một số sản phẩm mới có trọng lượng, mẫu mã gần giống với sản phẩm cũ nhưng thành phần dinh dưỡng có khác nhau và đã được Bộ y tế xác nhận. Chúng tôi cũng chưa phát hiện có sản phẩm nào có hiện tượng thay đổi mẫu mã mà các thành phần vi chất dinh dưỡng giống nhau hoàn toàn mà doanh nghiệp đã tăng giá lên.
Theo quy định thì giá tối đa sữa được xác định tương ứng với chủng loại, chất lượng và trọng lượng trong từng sản phẩm sữa. Trong trường hợp có thay đổi về mẫu mã, có thay đổi các yếu tố thành phần dinh dưỡng thì giá tối đa sẽ được xác định mới cho phù hợp. Nghĩa là có sản phẩm mới ra thì phải xác định giá tối đa mới cho phù hợp và các hãng sữa vi phạm quy định này thì sẽ bị thanh tra, kiểm tra và nguyên nhân sai phạm thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
PV: Thời gian của chương trình không còn nhiều, chúng tôi xin chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi cuối của một doanh nghiệp gửi thư về chuyên mục có hỏi: Trong năm qua các thủ tục hành chính thuế, hải quan được cắt giảm từ hàng loạt các Nghị định, Thông tư đã giúp chúng tôi giảm rất nhiều thời gian hao phí. Tuy nhiên, viêc cắt giảm thủ tục hành chính trên giấy là việc dễ cắt nhất. Còn cái khó nằm ở việc cắt giảm tiến tới loại bỏ thái độ nhũng nhiễu, tư duy cửa quyền của một bộ phận cán bộ trực tiếp làm thủ tục hành chính. Vậy Bộ Tài chính sẽ xử lý vấn đề khó này như thế nào trong thời gian tới?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Các chính sách của chúng ta được ban hành ra như thế để người dân, doanh nghiệp thật sự được hưởng lợi là vấn đề rất hệ trọng. Thứ nhất, chúng tôi đang tiến hành cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức của thuế, của hải quan để đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ này, phù hợp với cơ chế quản lý mới của thuế và hải quan. Chúng ta chuyển cơ chế quản lý của thuế và hải quan từ tiền kiểm tức là kiểm tra trước, thông quan sau hay kiểm tra trước, nộp thuế sau sang hậu kiểm thì bây giờ đội ngũ này cũng cần thiết phải đào tạo lại. Thứ hai là rà soát sửa đổi các quy định, quy chế thực hiện công vụ trong các cơ quan thuế và hải quan.
Hiện nay, các quy định của cơ quan thuế là 70 quy định trong đó có khoảng 20 quy định liên quan đến người nộp thuế thì chúng tôi đang tập trung rà soát lại để làm sao phù hợp với quy định của pháp luật mới ban hành, làm cơ sở để người thực thi công vụ theo quy trình đó, làm cơ sở để xã hội giám sát theo quy trình đó.
Cùng với đó là phải đẩy mạnh hiện đại hóa kê khai thuế và hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Đây là vấn đề rất hệ trọng và rõ ràng là hải quan điện tử rồi kê khai, nộp thuế điện tử được đẩy lên. Thứ tư là đẩy mạnh tuyên truyền trách nhiệm, nghề nghiệp của những cán bộ thực hành công vụ về thuế và hải quan, cùng với đó là tuyên truyền mạnh các chính sách về thuế để doanh nghiệp và người dân hiểu và thực hiện.
Thứ năm là tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát của xã hội, của người dân, của doanh nghiệp với hoạt động của cán bộ, công chức trong lĩnh vực thuế, hải quan và qua đó để nêu gương những tấm gương tốt và có hình thức xử lý nghiêm khắc, kịp thời đối với người vi phạm.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%