Bộ trưởng Bộ Y tế trăn trở vấn đề bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế
Năm 2017 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm y tế lớn, mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như tinh thần làm việc.
Chiều 3/1, lãnh đạo Bộ Y tế đã có buổi gặp mặt trả lời phỏng vấn báo chí về công tác y tế trong năm 2017 và định hướng trong năm 2018. Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Vấn đề bảo đảm môi trường làm việc an ninh và an toàn cho người thầy thuốc là một trong những vấn đề còn nhiều trăn trở".
Đáng chú ý có thể kể đến các vụ: Bác sĩ bị bố bệnh nhân nhi đập cốc uống nước vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội (tháng 4/2017); 20 côn đồ khống chế bác sĩ, chém bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (6/2017); bác sĩ bị đánh và bị bắt quỳ lạy tại Bệnh viện Thể thao Hà Nội, bác sĩ bị đập máy đo huyết áp vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Việt Yên, Bắc Giang (tháng 7/2017); bác sĩ bị chém đa chấn thương tại Trạm y tế xã Hương Long, Hà Tĩnh (tháng 9/2017); bác sĩ bị đánh rách mi mắt trái lẫn giác mạc tại BV Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình); bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình bị đánh vỡ mũi (tháng 12/2017)…
Ngoài những vụ hành hung thân thể, các thầy thuốc còn phải chịu đựng cả những hành vi hành hung khác về mặt tinh thần như đe dọa, chửi rủa. Có một thực tế đáng buồn, đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ hay những đối tượng có tiền án tiền sự, mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước hay doanh nhân thành đạt.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Chúng tôi kêu gọi chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp giáo dục người dân, chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tếđược hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực".
Ghi nhận sự vào cuộc tích cực của chính quyền và cơ quan chức năng ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Bình… đã nhanh chóng bắt giữ những kẻ hành hung thầy thuốc và xử lý nghiêm theo pháp luật, năm 2018, Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh các quy định luật pháp để những hành vi hành hung thầy thuốc phải được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ. Chỉ khi môi trường làm việc của người thầy thuốc được đảm bảo, người thầy thuốc được bảo vệ thì lúc ấy công tác khám chữa, phục vụ người bệnh mới có thể được toàn diện nhất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc