Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: "Hiểu ODA cho không là nhận thức vô cùng nguy hiểm"
Sáng nay (02/12), Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) đã tổ chức họp báo về "Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2013 (VDPF)".
Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2013 sẽ được tổ chức vào ngày 05/12/2013. Khác với các Hội nghị CG trước đây, chương trình nghị sự của Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam sẽ không bao gồm nội dung thảo luận và cam kết vốn ODA. Sự cam kết hỗ trợ tài chính của các nhà tài trợ vẫn là một nội dung quan trọng trong quan hệ hợp tác phát triển và sẽ được thảo luận, cam kết tại các diễn đàn đối thoại song phương.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết: Trong những năm vừa qua, đặc biệt những năm đầu tiên của giai đoạn 1993-2010 Việt Nam chủ yếu sử dụng vốn vay ưu đãi hoặc viện trợ không hoàn lại. Cùng với nguồn ngân sách khổng lồ từ Nhà nước, các dự án xóa đói giảm nghèo đã được cấp vốn, đối tác được hưởng lợi là đồng bào dân tộc. Nhưng đã đến lúc chúng ta không thể cho không mãi.
Từ kinh nghiệm quốc tế, khi cho 1 dự án vay thì chỉ cho vay 85-90%, để người nghèo bỏ ra 10-15%. Với một gia đình thì 10-15% vốn của một dự án là số tiền lớn nên họ sẽ phải cân nhắc, tính toán, và phải lăn vào làm để hiệu quả. Ví dụ với dự án làm đường giao thông nông thôn, Chính phủ chỉ cho xi măng, sắt thép, hỗ trợ một phần vốn, còn lại bà con hiến đất, thi công...Khi bà con thấy thiết thực thì sẽ tham gia, tiến tới việc sẽ giữ gìn công trình, nếu có hỏng thì sẽ sửa, bởi họ không suy nghĩ "đó là công trình của Nhà nước cho" nữa. Đây đã trở thành phong trào trên khắp cả nước.
"Chuyển nhận thức cho con cá thành cho cần câu là như vậy, nếu làm tốt thì đồng bào có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Thay vì hội chứng đua nhau vào diện nghèo như thời gian qua, không muốn thoát nghèo vì được hưởng quá nhiều lợi ích từ chính sách", Bộ trưởng Vinh nói.
Trả lời câu hỏi xung quanh việc kiểm soát luồng vốn vay cũng như hướng đi của Việt Nam khi trần nợ công đã gần chạm ngưỡng, Bộ trưởng Vinh cho biết: Đây cũng là điểm cần làm rõ trong hội nghị, trong đó có việc kiểm soát nguồn vốn vay để khống chế trần nợ công của Việt Nam ở mức dưới 65% GDP.
"Việt Nam sẽ dần chuyển từ nhận viện trợ không hoàn lại tới vay vốn với lãi suất ưu đãi, tiếp đến là vay với lãi suất cao hơn và cuối cùng là vay với lãi suất thông thường. Cũng sẽ đến lúc nào đó Việt Nam đi cung cấp ODA cho nước khác, như Thái Lan chẳng hạn. Từ nay ODA sẽ là mục tiêu quan trọng nhất mà Chính phủ, Nhà nước cũng như bộ ngành quan tâm. Bấy lâu nay, một bộ phận cán bộ công chức, lãnh đạo địa phương và nhân dân đã hiểu một cách sơ đẳng là ODA cho không, có thể nói đây là nhận thức vô cùng nguy hiểm. Nay vay thì ngày mai con cháu chúng ta phải trả, cộng lại lãi suất là rất lớn", Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Trong 3 năm qua, Bộ KHĐT cũng đổi mới mạnh về quản lý nguồn vốn vay. Thời gian tới, việc kiểm soát dự án cho vay, kiểm soát dòng vốn và hiệu quả dự án sẽ được thực hiện thật chặt chẽ qua sự chọn lựa khắt khe những dự án có khả năng hoàn vốn cao, có tác động tốt nhất tới đời sống kinh tế-xã hội...
Theo Bộ trưởng Vinh, việc này cũng là để trả ơn cho các nhà tài trợ, bởi nguồn vốn đó lấy từ thuế mà công dân các nước đó đóng góp để giúp đỡ các nước kém phát triển để thực hiện các dự án kinh tế xã hội, không phải cho không, không phải tranh thủ để tham nhũng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phát triển các khu thương mại tự do sẽ là bàn đạp thúc đẩy dịch vụ logistics
Giá vàng thế giới ngày 14/11: Giảm phiên thứ 4 liên tiếp do USD tăng mạnh
Sẽ áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ ngày 20/11
Giá heo hơi ngày 14/11/2024: Xu hướng tăng giảm không đồng đều
Giá ngoại tệ ngày 14/11/2024: USD đạt đỉnh cao nhất trong năm, cán mốc 106,51
Tổng giám đốc công ty Văn hoá Tân Bình ALT 'mua chui' hàng trăm ngàn cổ phiếu