Bộ trưởng Cao Đức Phát: Chúng ta đang làm một “nền nông nghiệp hàng xén”
Thậm chí, Bộ trưởng Cao Đức Phát còn đề cập một kỹ thuật lạc hậu trong chăn nuôi: “Vẫn dùng lợn đực đi nhảy lung tung”.
Trồng cao su nhưng không biết cạo mủ
Tại hội nghị bàn vấn đề trên do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm qua 7/5, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu cho biết, đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa gắn với yêu cầu thực tế địa phương, doanh nghiệp, còn mang tính phong trào nên hiệu quả chưa cao.
Ông Quảng cho hay, ở Lai Châu, xác định cây cao su, chè, lúa chất lượng cao là mũi nhọn kinh tế của địa phương. “Thế nhưng việc đào tạo nghề lại lo đi hướng dẫn nuôi công, phượng, trĩ” - ông Quảng nói.
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho hay, vừa rồi, ở tỉnh có 200 ha cao su đến lúc cạo mủ, nhưng công nhân không biết cạo ra sao. Liên hệ với ngành lao động tỉnh, hóa ra chưa tổ chức được lớp, cuối cùng phải liên hệ với chuyên gia của Trung Quốc sang để hướng dẫn việc cạo mủ.
Ông Quảng cũng cho biết, ở T.Ư, việc đào tạo nghề phi nông nghiệp giao cho Bộ LĐ-TB&XH; còn nghề nông nghiệp giao Bộ NN&PTNT. “Ở trên, các bộ chẻ ra, dưới lại bảo đan vào; còn thực tế thì không lồng ghép nổi”- ông Quảng nói. Người đi học xong, nhưng về có làm được nghề hay không là chuyện khác. Chương trình này tốn rất nhiều tiền, nhưng hiệu quả chưa như mong muốn.
Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương cũng cho hay, Hải Dương là tỉnh có cơ cấu công nghiệp chiếm tới 48% GDP, nhưng vẫn là tỉnh nông nghiệp, vì tới 70% nông dân. Nông dân bất ổn, nghĩa là tỉnh bất ổn.
Theo ông Cương, xu hướng của thanh niên là ly hương, hướng tới công nghiệp; nông thôn còn lại là những người lớn tuổi, trình độ thấp. Thực tế, đất đai ở Hải Dương không xấu, nhưng vẫn có tình trạng bỏ ruộng. Các vùng trồng rau, lúa... cũng bị co lại, trên có chỉ đạo, yêu cầu mấy, người dân cũng không làm. Năm 2013, dù nông nghiệp của tỉnh tăng 6% (chủ yếu sản lượng) nhưng giá rớt thê thảm.
Ông Cương cho rằng, hiện trên 130 nghề có giáo trình, có nhiều nơi vẫn chưa theo được điều người dân cần, địa phương muốn. Trong khi, các trung tâm đào tạo, dạy nghề lo đi xoay “xin chỉ tiêu” và làm sao lo “tiêu cho hết tiền”.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương ví dụ, ở đồng bằng sông Hồng, tại sao sản lượng lúa chỉ có vậy, không tăng lên được? Tại sao dịch bệnh xảy ra nhiều, làm sao để phòng và chữa trị... Hay, trồng gì, nuôi gì để tiêu thụ được. Còn trong làm nông thôn mới, không phải đường to, nhà lớn, mà cần phải dạy cho cách thức sản xuất hiệu quả. Người dân không đòi hỏi phải cao, chỉ cần hiệu quả.
Sao phải đào tạo gấp 10.000 dẫn tinh viên?
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cần gắn với quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Mỗi xã cần còn 1-3 cây con chủ lực, đào tạo cho nông dân nhuần nhuyễn, không cần làm nhiều, mà làm đến đâu, giá trị cao đến đó.
Ông Phát cho rằng, cần xem lại cách đào tạo, loại nào cần đến trường, loại nào đến trang trại. “Ở Quốc hội, có đại biểu nói với tôi, cần xem lại, chứ nếu đào tạo có mấy tuần mà có một nghề. Đó là đào tạo nghề hay chỉ là bồi dưỡng kiến thức? Đào tạo nghề cho một người, là làm một nghề và phải sống được bằng nghề đó”- ông Phát nói.
Cũng lời ông Phát: “Vì sao ngành chăn nuôi yếu kém, vì con giống nông hộ kém. Đến giờ vẫn dùng lợn đực đi nhảy lung tung, tại sao không đào tạo cho hộ nuôi lợn giống thụ tinh nhân tạo”.
Theo đó, cần đào tạo ngay 10.000 dẫn tinh viên (người lấy tinh lợn) trên cả nước. Tương tự, cả nước có 30.000 tàu công suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ, cũng cần đào tạo 30.000 thuyền, máy trưởng, hay cho khoảng 10.000 kế toán trưởng của các hợp tác xã trên cả nước.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có hơn 700 cơ sở dạy nghề, nhưng phải lựa chọn cơ sở cho phù hợp. Đồng thời phải tăng cường vai trò của hệ thống khuyến nông, với khoảng 30.000 cán bộ trên cả nước.
Mỗi năm, hệ thống khuyến nông từ T.Ư tới địa phương mất hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các mô hình. Các mô hình tiến bộ kỹ thuật, cần mời nông dân tới để học hỏi, thay vì chi tiền cho các trường, trung tâm đào tạo nghề cũng làm mô hình, gây lãng phí.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng