Phân tích

Bộ trưởng Công thương bị truy về 2 dự án gây lãng phí hàng tỷ USD vốn Nhà nước

(DNVN) - Tại phiên trả lơi chất vấn trước Quốc hội chiều 17/11, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về tình trạng thất thoát, lãng phí vốn đầu tư tại 2 dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và Nhà máy sản xuất sợi Polyester Đình Vũ, Hải Phòng.

Trong phiên họp Quốc hội, gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, thuộc đoàn TP HCM đã đặt câu hỏi về giải pháp cho những lãng phí trong quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy xơ sợi Polyester Đĩnh Vũ, ông Nghĩa cho rằng những lãng phí trong việc xây dựng và triển khai các nhà máy này đã làm thất thoát hơn 1 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trả lời chất vấn này, vị tư lệnh ngành Công Thương cho biết, dự án xơ sợi Đình Vũ được đầu tư xây dựng và nghiệm thu vào tháng 3/2014, vào thánh 5/2014 thì đưa vào vận hành chính thức thương mại và đến hết năm 2014 dự án xơ sợi Đình Vũ mới vận hành được 48% công suất, so với kế hoạch là không đạt. Năm 2014, bước đầu xác định lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi đóng góp cho ngân sách chỉ 212 tỷ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng này được Bộ Công Thương lý giải là do định mức chi phí vận hành tăng hơn so với tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong khi đó, công nghệ hiện đại lần đầu tiên ở Việt Nam nên năng lực vận hành của nhân viên còn hạn chế, dẫn đến chất lượng sản phẩm có lúc chưa đạt được yêu cầu. 

Một nguyên nhân nữa được vị tư lệnh ngành Công thương đưa ra là trong bối cảnh giá cả thế giới hiện nay, nhất là giá sợi nhân tạo trên thế giới lại đang giảm, thấp hơn giá thành sản xuất, nên sản phẩm trong nước không thể cạnh tranh được. 

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tìm các biện pháp để khắc phục. 

"Trước hết chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu từ (PVN - PV) rà soát lại máy móc, thiết bị công nghệ để làm sao đảm bảo vận hành an toàn. Thứ 2, có kế hoạch chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề của cán bộ, công nhân viên vận hành, đảm bảo năng suất lao động", vị tư lệnh ngành Công thương nói.

 

"Thứ 3, chúng tôi cũng đã tổ chức cuộc họp giữa Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu theo hướng Tập đoàn Dệt may sẽ tiêu thụ một số sản phẩm của dự án này bởi những sản phẩm này ngành dệt may vẫn phải nhập từ bên ngoài dù giá bên ngoài có cạnh tranh hơn. Trước mắt thì Tập đoàn sẽ cố gắng tiêu thụ khoảng 50% sản phẩm của nhà máy", vẫn lời Bộ trưởng Bộ Công thương.

Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, nhà máy sẽ cố gắng giảm lỗ trong năm 2015 còn 600 tỷ đồng, và đến năm 2016 có thể cơ bản cân đối được thu chi.

Về dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên do Tổng công ty Thép Việt Nam làm chủ đầu tư, người đứng đầu Bộ Công thương cho biết, nhà máy này được một công ty Trung Quốc làm tổng thầu. Kể từ năm triển khai 2007 đến nay, phần thiết kế đã hoàn thành 88,4%, mua thiết bị đạt gần 94%, riêng các hạng mục xây dựng do Việt Nam đảm nhiệm đã giải ngân khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân chậm trễ dự án này được Bộ trưởng Bộ Công thương giải thích là do chậm chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Cụ thể, chi phí tăng hơn 281% từ năm 2007 đến 2011, tỷ giá ngoại tệ tăng từ 15.800 đồng/USD lên hơn 21.000 đồng/USD. Bên cạnh đó, lãi suất tăng mạnh làm chi phí đầu tư tăng đột biến.chính sách thuế, tiền lương... cũng làm thay đổi khiến chi phí đầu tư tăng lên.

Đưa ra những giải pháp đang thực hiện, vị tư lệnh ngành Công thương cho biết, Chính phủ đã yêu cầu chủ đầu tư trao đổi, vay thêm của Vietinbank và SCIC để bù các khoản đầu tư còn thiếu. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng được yêu cầu đàm phán với công ty Trung Quốc để thực hiện tiếp dự án.

 

“Hai bên thống nhất cuối tháng 11 này sẽ ký lại hợp đồng tổng thầu PVC. Cuối năm 2017 sẽ đưa nhà máy vào sử dụng,” Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo