Thị trường

Giảm thuế sâu, đại biểu Quốc hội lo ngành ôtô nội sẽ "khó sống"

(DNVN) - Tại phiên thảo luận về việc sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế, đã có không ít Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã lên tiếng phản đối chủ trương giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, vì cho rằng sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp nội địa và ngành ôtô Việt Nam.

Báo Dân Trí đưa tin, chiều 13/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về việc sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật về thuế. Một trong số các nội dung đáng chú ý của dự luật này là việc Chính phủ đề xuất giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe ôtô dung tích nhỏ.

Góp ý về vấn đề này, Đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) cho rằng cần phải đánh giá tác động của Luật thuế này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mục tiêu phát triển công nghiệp ôtô.

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại khi giảm sâu thuế TTĐB đối với thì ngành ôtô trong nước sẽ khó tồn tại. Ảnh minh họa.

Theo vị đại biểu, sau 25 năm phát triển ngành này, tới thời điểm hiện nay, ôtô dưới 9 chỗ cơ bản chưa nội địa hóa được nhiều. “Khi chúng ta chưa làm được động cơ, chưa làm được hộp số thì đừng nói nội địa hóa, đấy chỉ là vớ vẩn mà thôi. Tôi nghĩ rằng, chiến lược thuế phải gắn với chiến lược phát triển ôtô. Chúng ta có theo đuổi chiến lược này không, hay thôi cứ nhập mà dùng? Chúng ta phải minh bạch vấn đề này để đánh giá tác động”, ông Lịch chia sẻ.

Báo vneconomy.vn dẫn lời phát biểu của Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho biết, gần thời điểm giảm thuế nhập khẩu bằng 0 từ khu vực ASEAN thì giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo cân đối lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất và Nhà nước. 

Việc hai lọai thuế giảm cùng lúc, theo đại biểu Thủy là nếu không cẩn thận thì xe nhập khẩu sẽ được hưởng lợi kép, sẽ ngay lập tức ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong khi đó, các nhà sản xuất  ôtô và cung ứng trong nước cần nhiều thời gian để chuẩn bị đầu tư cắt giảm chi phí, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đào tạo con người, nâng cao khả năng cạnh tranh... sẽ không đủ thời gian chuẩn bị cho những thay đổi lớn về chính sách, và chắc chắn sẽ để mất thị trường.

Và việc xe nhập khẩu ồ ạt do được hưởng lợi kép được đại biểu Thủy nhìn nhận là sẽ làm gia tăng thâm hụt thương mại, giảm thu ngân sách, đồng thời gây áp lực lên hạ tầng giao thông vốn đã quá tải. Trên cơ sở đó, bà Thủy đề nghị Quốc hội giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đối với ôtô hoặc chỉ giảm ở mức thấp.

 

Báo Tiền Phong dẫn lời ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đưa ra cảnh báo, nếu giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt thì “đất nước sẽ đối mặt với những thách thức mới”. Khi xe ồ ạt vào Việt Nam, ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ bước lên vũ đài mới với một sự “cạnh tranh không tương thích”. Ngành ôtô Việt Nam mới ra đời và còn non trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, trong khi đó các nước có đầy đủ điều kiện để chiến thắng chúng ta ngay trên sân nhà. 

“Chính phủ đã tính tới chiến lược phát triển ô tô trong nước có khả năng thất bại không? Đã tính đến việc vượt qua khó khăn này bằng giải pháp nào chưa?”, đặt câu hỏi, rồi ĐB Lai cho biết, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt giảm sâu, ngành ôtô trong nước sẽ “chết”. Tại Quảng Nam, doanh nghiệp ôtô sẽ không tồn tại, kéo theo nhiều hệ lụy, hàng chục nghìn lao động sẽ phải đối mặt với cảnh thất nghiệp. 

Cũng bày to la ngại về vấn đề giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ôtô, Đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) cho rằng, việc giảm thuế đối với ô tô sẽ khuyến khích tiêu dùng trong khi hạ tầng đô thị không đảm bảo.

Tương tự, các đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cũng bày tỏ lo ngại và đề nghị cần cân nhắc thêm tác động của việc giảm thuế đối với ôtô đến cân đối ngân sách bởi sẽ làm ngân sách nhà nước giảm thu, trong khi đó, hạ tầng giao thông sẽ bị tác động khi giảm thuế cho dòng xe phổ thông vừa tiền dẫn đến tình trạng bùng nổ số lượng ôtô.

VĂN HUY (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo