Bộ trưởng Công thương lý giải chuyện giá điện chưa...tăng
Từ tháng 8/2013 tới đây giá điện chưa thay đổi và tới đây cũng sẽ chưa tăng giá điện.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 30/10.
Nói về điều hành giá điện, vị tư lệnh ngành công thương nhấn mạnh, việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là Nghị quyết chung của Quốc hội, Chính phủ. Nhưng giá điện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố đầu vào như chi phí nhiên liệu, nguyên liệu, biến động tỷ giá và tình hình thực tế kinh tế xã hội.
Do đó, dù giá điện được điều hành theo thị trường nhưng phải tính đến các vấn đề tác động đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp. Cụ thể, theo chính sách của Chính phủ mỗi tháng hộ nghèo, hộ thu nhập thấp 30 kWh không mất tiền.
“Một mặt chúng ta phải đảm bảo ngành điện không quá lỗ trong kinh doanh, mặt khác giá điện vẫn tiệm cận thị trường và vẫn đảm bảo cho người nghèo không bị ảnh hưởng bởi tác động của tỷ giá. Vừa qua chúng ta đã thực hiện rất tốt chủ trương này. Nên dù có sự biến động của các yếu tố đầu vào, đầu ra, biến động về kinh tế xã hội nhưng đã 1 năm 2 tháng (từ tháng 8/2013 đến nay) giá điện không thay đổi”- Bộ trưởng Hoàng nói.
Chính nhờ giá điện được “kìm giữ” nên đã góp phần vào ổn định lạm phát, CPI ở mức thấp và đời sống hộ nghèo, gia đình chính sách không bị biến động bởi sự điều chỉnh (nếu có).
Dự kiến tới năm 2020 ngành điện sẽ cần thêm 8.000 tỷ đô la để đầu tư cho các công trình xây dựng của mình. Liệu lộ trình tăng giá điện có được đặt ra để lấy một phần tiền bù cho đầu tư?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công thương cho biết, theo lộ trình phát triển ngành điện của Chính phủ, đến năm 2015 chúng ta sẽ đưa giá điện theo đúng thị trường. Từ năm 2016 giá điện có tăng, có giảm theo thị trường.
Từ 2015 trở đi giá điện theo đúng tín hiệu thị trường, có tăng có giảm. Nếu yếu tố đầu vào giảm thì chắc chắn ngành điện cũng sẽ giảm. Còn nếu tăng thì tất nhiên giá điện cũng tăng theo. Nhưng dù giá điện tăng/giảm thì vẫn có chính sách hỗ trợ dành cho người nghèo. Không những thế phần tiền hỗ trợ này vẫn còn “dôi dư chút ít” do nhiều hộ gia đình tại miền núi, hải đảo… không dùng hết công suất điện cho phép.
Đặc biệt, ở các vùng hải đảo, biên giới ngành điện phục vụ là theo chính trị. Kéo điện ra hải đảo hết sức tốn kém, nhưng hiện nay chính sách vẫn là giá ngoài hải đảo bằng giá trong đất liền. Đó là chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa và người nghèo. Còn những hộ dùng điện trên 100 kWh trở lên, đang thực hiện theo giá của thị trường.
"Vừa rồi các bộ (Bộ Tài chính, Công thương, Ngân hàng Nhà nước…) đã ngồi lại bàn với nhau, tính toán vấn đề điều chỉnh cung độ, mức độ điều chỉnh giá. Thời gian vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, thủy điện nhiều nước nên đã huy động nguồn phát thủy điện để giảm phát điện bằng dầu DO, FO giá cao xuống giá thấp hơn.
“Lò xo” chênh lệch tỷ giá không còn bị dồn nén nên nếu xét về chính sách có thể tăng giá điện. Song thực tế điều hành giá điện đã không được điều chỉnh tăng do tính tới yếu tố về tác động xã hội nếu tăng giá”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định một lần nữa.
Theo Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Cột tin quảng cáo