Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Công Thương thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Quốc hội

Với tư cách được Chính phủ giao là đầu mối, Bộ trưởng Bộ Công Thương xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc chậm ban hành nghị định thay thế cho Nghị định 84 về điều hành giá xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng hứa trước Quốc hội sẽ sớm ban hành nghị định thay thế cho Nghị định 84 về điều hành giá xăng dầu.

Chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đăng đàn trả lời chất vấn của ĐBQH.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, việc chỉnh sửa Nghị định 84 về điều hành giá xăng dầu phải theo hướng bám sát hơn diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới. Ví dụ như tần xuất điều chỉnh, thời gian tính giá cơ sở phải ngắn hơn để bám sát với diễn biến thị trường thế giới. Bên cạnh đó việc điều chỉnh nhằm tạo thêm điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu cạnh tranh hơn trong sự quản lý của nhà nước, thêm nhiều đầu mối về kinh doanh xăng dầu, tránh độc quyền đồng thời sử dụng một cách hiệu quả hơn quỹ bình ổn giá xăng dầu.
 
Một lý do khác được Bộ trưởng Hoàng viện dẫn là vấn đề nhiên liệu sinh học khi Việt Nam triển khai xây dựng một số nhà máy sản xuất cồn Ethanol từ sắn, mía, ngô. Đây chính là nguồn nhiên liệu sạch, khi pha trộn với sản phẩm xăng với một tỷ lệ nhất định thì vẫn đảm bảo được chất lượng, giảm giá thành của xăng, hạn chế tác hại đến môi trường. 
 
Với nhiều lý do được đưa ra song Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm: “Đây là nội dung hết sức mới cho nên trong nghiên cứu mất thời gian. Tuy nhiên với tư cách được Chính phủ giao là đầu mối, chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc chậm ban hành nghị định này. Chúng tôi xin hứa với Quốc hội sau khi Thủ tướng Chính phủ xem xét tờ trình gần đây nhất của các bộ ngành mà Bộ Công Thương làm đầu mối, Bộ Công Thương sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất có thể ban hành nghị định thay thế Nghị định 84 để đáp ứng được các yêu cầu”.
 
Liên quan đến lý do chuyển việc điều hành giá xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương, Bộ trưởng Hoàng cho biết, bản thân Bộ Công Thương cũng không muốn việc điều chỉnh này. “Chúng tôi muốn đề xuất với Chính phủ duy trì việc Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì điều hành giá và Bộ Công Thương phối hợp như hiện hành”.
 
Bộ trưởng Hoàng cho biết thêm, Bộ Tài chính cũng không phải cơ quan quyết định giá mà chỉ là tổ trưởng tổ về điều hành giá xăng dầu. Đây là tổ liên ngành Tài chính – Công Thương. Nếu Bộ Công Thương không đồng ý, nhất trí thì Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh giá. Ngược lại, nếu đổi vai Bộ Công Thương làm đầu mối và Bộ Tài chính phối hợp, Bộ Tài chính không đồng ý thì Bộ Công Thương cũng phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ chế liên ngành, không phải một bộ quyết định được.
 
Bộ Công Thương không muốn là cơ quan chủ trì mà chỉ muốn là đơn vị phối hợp trong việc điều chỉnh giá xăng dầu.
 
“Tuy nhiên chúng tôi chấp hành quyết định của Chính phủ, nếu phân công chúng tôi làm đầu mối trong điều hành giá thì chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
 
Để đảm bảo tính minh bạch, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ Công Thương liên tục yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải công khai, minh bạch hoạt động của mình, kể cả các hoạt động liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí tiền lương của cán bộ công chức.
 
Liên quan đến vấn đề thanh tra điện, người đứng đầu ngành công thương cho biết đã có dịp giải trình với Quốc hội. Thanh tra Chính phủ có kết luận đối với 6 dự án điện, trong đó có nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 4, nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh và nhà máy nhiệt điện Hải Phòng. 
 
6 dự án này qua kiểm tra chỉ nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1 có xây dựng bể bơi và biệt thự, còn 5 nhà máy khác không có. Đây là công trình sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và xây dựng ở một địa bàn cách xa trung tâm thành phố Cần Thơ nên phải xây dựng những cơ sở này trước hết để phục vụ chuyên gia Nhật Bản, sau này khi hết thời gian xây dựng và bảo hành thì cơ sở đó sẽ chuyển giao cho phía Việt Nam.
 
Trong 6 dự án, chỉ có dự án Phú Mỹ 1 được xây dựng từ lâu có tính vào giá thành điện nhưng không nhiều, 1 năm chỉ 1-3 tỷ đồng trên tổng số chi phí điện hàng nghìn tỷ đồng. Còn lại 5 nhà máy chưa hề tính vào giá thành điện. Vấn đề này đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định và giao cho Bộ Tài chính chủ trì.
 
“Theo tôi, thường các công trình xây dựng, nhất là công trình ở xa, vùng sâu, công trình quy mô đầu tư lớn bao giờ chúng ta cũng quan tâm đến nhà ở cho công nhân. Việc xây dựng khu nhà ở trong đó kèm theo cả những thiết chế văn hóa, rất phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước để thu hút lao động, đáp ứng cho người lao động yên tâm làm việc” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu quan điểm.
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo