Bộ trưởng Công Thương triệu tập họp khẩn "giải cứu" lợn hơi rớt giá
Cuộc họp giải cứu đàn lợn tồn trong dân còn có sự tham gia của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng với lãnh đạo Vụ Thị trường Trong nước, Cục Quản lý Thị trường, Vụ Xuất nhập khẩu, Vụ thị trường châu Á, Cục Xúc tiến thương mại, Quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh và các đơn vị liên quan…
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng việc giải cứu đàn lợn tồn trong dân là việc làm cấp bách. “Khi hàng nghìn hộ dân điêu đứng vì giá lợn hơi giảm, lượng thịt lợn tồn không có đầu ra thì đây không còn là vấn đề riêng của Bộ Nông Nghiệp nữa mà cần có sự chung tay của tất cả các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương.
"Do vậy, tôi mong các đồng chí cần vào cuộc một cách có trách nhiệm, sốt sắng để tìm các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bất chấp các cảnh báo rủi ro từ Bộ Công Thương, khiến nguồn cung thịt lợn nội địa vượt quá nhu cầu trong nước. Khi Trung Quốc tăng cường giám sát, phòng chống hoạt động nhập khẩu hàng hóa (trong đó có lợn sống) trái phép qua biên giới đất liền, hoạt động xuất khẩu lợn sống qua biên giới phía Bắc sang Trung Quốc ngay lập tức bị ảnh hưởng, càng gây sức ép lên giá thịt lợn trong nước.
Vấn đề quy hoạch ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Như nhiều mặt hàng nông sản khác, mặt hàng lợn thịt được chăn nuôi khá phân tán, quy mô nhỏ lẻ (hình thức chăn nuôi truyền thống, kiểu tận dụng với quy mô nhỏ lẻ đang tồn tại ở hầu khắp các tỉnh trong cả nước, chiếm khoảng 65-70% về đầu con) nên tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương (cá nhân) mua gom và tự giết mổ bán cho các tiểu thương tại các chợ. Chính điều này gây khó khăn lớn cho việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian.
Hầu hết các hộ chăn nuôi đều chăn nuôi không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nên khi nguồn cung dư thừa rất khó để kết nối tiêu thụ vào các kênh lớn như các doanh nghiệp chế biến, giết mổ tập trung và các siêu thị. Sản xuất tự phát nên không có hợp đồng bao tiêu dẫn tới giá bấp bênh... Bên cạnh đó, chăn nuôi phần lớn nhỏ lẻ mang tính tự phát không theo quy hoạch, không tổ chức chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.
Theo Bộ Công Thương, trên thực tế, không phải khi xảy ra hiện tượng thịt lợn rớt giá, bí đầu ra, Bộ Công Thương mới bàn giải pháp giải cứu. Mà trước đó Bộ đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp, đồng thời đưa ra cảnh báo về nguy cơ lợn rớt giá, tồn kho và dự báo về khả năng cung vượt cầu.
Cụ thể, trong phiên họp Chính phủ tháng 2/2016, Bộ Công Thương kiến nghị cần tập trung bám sát tình hình thị trường để tái đàn, phòng chống dịch bệnh, kiểm soát đầu vào. Rồi, phiên họp Chính phủ tháng 4/2016, Bộ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá nguồn cung, khuyến cáo người dân có phương án tái đàn hợp lý, tránh hiện tượng tái đàn ồ ạt và nuôi lợn quá lứa.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 5/2016, Bộ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương có kế hoạch cụ thể đàm phán với Trung Quốc đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục cho phép nhập khẩu chính ngạch. Rồi phiên họp Chính phủ tháng 8/2016 Bộ cũng đề xuất để có thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ổn định, đề nghị tích cực đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định về thú y với các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản… Phiên họp tháng 12/2016, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản.
Ngoài ra, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường nước ngoài cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu nói chung, mặt hàng thịt lợn nói riêng. Việc phối hợp thúc đẩy tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường mặt hàng thịt lợn cũng là nội dung trọng điểm trong Kế hoạch phối hợp công tác triển khai Bản ghi nhớ về tăng cường phối hợp công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về thông tin thị trường quốc tế, ngay từ quý 2/2016, trước các biến động của thị trường thịt lợn Trung Quốc và hoạt động xuất khẩu “tiểu ngạch” lợn sống qua các tỉnh biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trong cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo về: diễn biến tình hình thị trường thịt lợn tại thị trường Trung Quốc; cung cấp thông tin quy định về nhập khẩu lợn hơi của Trung Quốc; cảnh báo về rủi ro trong xuất khẩu lợn sống sang thị trường Trung Quốc theo hình thức thương mại biên giới khi Việt Nam chưa nằm trong Danh sách các quốc gia/khu vực đáp ứng yêu cầu và được cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt, trong đó có thịt lợn sang Trung Quốc.
Cuối năm 2016, Bộ Công Thương tiếp tục có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh thành, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và một số Bộ, ngành liên quan cảnh báo về rủi ro khi phía Trung Quốc có một số động thái siết chặt hoạt động nhập khẩu lợn sống qua biên giới Việt – Trung. Đối với các thị trường khác, Bộ Công Thương cũng rất nỗ lực, chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét khả năng tiếp cận, mở cửa thị trường đối với thịt lợn đông lạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao