Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Công Thương và câu chuyện sản xuất con ốc vít

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Vai trò của Nhà nước chỉ mang tính thúc đẩy, còn quyết định có tham gia được công nghiệp hỗ trợ hay không vẫn là phải tự bản thân các doanh nghiệp

Hiện nay ở tầm quốc gia, mỗi năm chúng ta phải mất hàng chục tỷ USD nhập khẩu các linh, phụ kiện phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu.

Thứ hai, ở tầm doanh nghiệp, là câu chuyện xôn xao mới đây về việc không doanh nghiệp Việt Nam nào đủ khả năng sản xuất con ốc vít cho Tập đoàn Samsung. Hai câu chuyện này đang đặt ra những lo ngại cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Các câu hỏi của doanh nghiệp về vấn đề này sẽ là nội dung chính trong Chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.
 
PV: Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin chuyển đến Bộ trưởng là chia sẻ của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp này có cho biết: Trong cuộc hội thảo gần đây, chúng tôi là 1 trong 200 doanh nghiệp điện tử của Việt Nam đã phải tiếc nuối khi không đủ khả năng sản xuất được cái ốc vít theo đơn đặt hàng của Samsung. Xin hỏi Bộ Công thương có những định hướng như thế nào để chúng tôi có thể chớp được cơ hội cung cấp các linh phụ kiện cho các doanh nghiệp toàn cầu ở Việt Nam?
 
  Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Việc sản xuất một linh kiện, phụ tùng ngoài yêu cầu về mặt chất lượng còn nhiều yêu cầu về khía cạnh khác. Cho nên việc chúng ta sản xuất, hay không sản xuất được linh kiện phụ tùng, vấn đề là có tiêu thụ được hay không?
Vấn đề ở đây tương tự như câu chuyện của Samsung đã nêu, trên thực tế là chúng ta sản xuất được rồi chất lượng đảm bảo, tuy nhiên, có đưa được sản phẩm vào chuỗi sản xuất của Tập đoàn SamSung không phải chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn cầu là câu chuyện khác.
 
Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam, nhất doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ ngoài các cơ chế chính sách, Nhà nước cũng cần các chương trình hợp tác với nước ngoài, nhất là những quốc gia có kinh nghiệm như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước chỉ mang tính thúc đẩy, còn quyết định có tham gia được công nghiệp hỗ trợ hay không vẫn là phải tự bản thân các doanh nghiệp.
 
PV: Còn một doanh nghiệp khác cho biết: Tôi là một doanh nghiệp rất muốn tham gia vào các ngành công nghiệp hỗ trợ vì tôi được biết về rất nhiều chính sách ưu đãi cho ngành này. Nào là gói ưu đãi lãi suất này, quỹ hỗ trợ vốn kia. Nhưng thực tế khi làm thủ tục vay ưu đãi, tôi mới thấy một "biển thủ tục" mà tôi có bơi ra cũng không thể vay được vốn. Tôi được biết là cùng chung số phận như tôi, chưa một doanh nghiệp nào vay được vốn ưu đãi, dù đã 3 năm sau khi chính sách ưu đãi công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ được ban hành. Tôi muốn hỏi Bộ trưởng tại sao các chính ưu đãi này chưa đến được với các doanh nghiệp?
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Lý do vì chúng tôi cho rằng những ưu đãi, cơ chế, chính sách hiện có chưa đủ sức hấp dẫn và chưa đủ để các doanh nghiệp quan tâm. Thứ 2 bản thân sức của các doanh nghiệp hỗ trợ còn đang yếu, nếu không có vai trò thúc đẩy, hay sự hỗ trợ trực tiếp từ kinh phí, họ khó mà thực hiện được các chủ trương trong khuyến khích phát triển doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Vì thế Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành 24/2/2011, mặc dù đã đề cập đến nhiều yếu tố hỗ trợ nhưng trong thực tế việc thực thi vẫn còn nhiều vấn đế.
 
Hay nói cách khác, những giải pháp trong Quyết định này cần phải xem xét vì sao chưa đủ sức hấp dẫn để sửa đổi ban hành, và sửa đổi cho phù hợp. Chính vì vậy, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành địa phương rà soát lại Quyết định 12 và xây dựng thành một Nghị định.
 
Khi đó, tác động chắc chắn sẽ cao hơn Quyết định, và có điều kiện đề cập, quy định những nội dung mới qua thực tiễn còn bất cập sẽ đưa vào trong Nghị định. Hiện nay, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến rộng rãi và tổ chức hội thảo với tinh thần, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho công nghiệp hỗ trợ, như Chương trình quốc gia doanh nghiệp hỗ trợ, hay hình thành Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, và những cơ chế ưu đãi hơn về thuế đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ.
 
PV: Tiếp theo chúng tôi xin chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi là một doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực tiêu dùng, gần đây tôi có biết về một thương vụ mua lại chuỗi siêu thị tại Việt Nam của một Tập đoàn bán lẻ Thái Lan. Được biết trước đó, sau khi chính Tập đoàn này mua lại một chuỗi siêu thị Việt khác, đã đưa hàng Thái vào chuỗi này đến 70%. Trong bối cảnh, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào đầu năm tới, tôi khá lo ngại vì như thế, làm sao chúng tôi có thể cạnh tranh với hàng Thái khi mà giá vừa rẻ lại có cả hệ thống phân phối để đưa hàng của họ đến với người tiêu dùng của chúng ta. Xin được hỏi Bộ trưởng liệu chúng ta có quy định về tỉ lệ hàng nội địa trong các siêu thị nước ngoài hay không?
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi cho rằng, sự quan ngại này cũng có cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế các siêu thị nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Metro, BigC là những tên tuổi lớn lại sử dụng phần lớn hàng hoá, hoặc xuất sứ ở Việt Nam hay ở cửa hàng của họ như Metro là 90%, BigC là tương tự.
 
Đối với trường hợp doanh nghiệp của Thái nhận chuyển nhượng của Metro, tôi nghĩ rằng, nếu hàng Việt Nam chất lượng tốt, mẫu mã thu hút được người tiêu dùng, giá cả phải chăng, chắc chắn họ sẽ dùng hàng Việt Nam tiêu thụ trong hệ thống của họ.
 
Rõ ràng, với việc mở cửa thị trường không chỉ các nước có cơ hội đưa hàng vào Việt Nam, ngược lại chúng ta cũng có cơ hội đưa hàng ra nước ngoài, như những mặt hàng có thể mạnh của ta như nông sản, thuỷ sản, dệt may, gia giầy.
 
Đây là tác dụng của việc mở cửa thị trường và cũng là thực hiện cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN nếu được thành lập trong 2015, đây chính là quan hệ hai chiều như vậy.
 
PV: Một vấn đề khác được một doanh nghiệp chăn nuôi đặt ra là hiện nay chúng ta đang chuẩn bị ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), có nhiều đối tác mạnh về chăn nuôi như Mỹ, Australia, New Zealand. Trước việc ngành chăn nuôi của chúng ta nhỏ lẻ và khó cạnh tranh về giá. Xin hỏi Bộ trưởng có định hướng gì để giúp doanh nghiệp chăn nuôi ứng phó để có thể cạnh tranh được?
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đối với một số nhóm hàng nhạy cảm mà hiện nay khả năng cạnh tranh còn yếu, năng suất thấp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta đấu tranh và đạt được trong đàm phán nhiều Hiệp định, kể cả đàm phán Tổ chức thương mại thế giới như bảo lưu một số mặt hàng và có lộ trình từ khi thực hiện Hiệp định đến một thời gian nhất định mới mở cửa hoàn toàn thị trường trong nước cho hàng hoá đó.
 
Ví dụ khi chúng ta tham gia WTO, chính những mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến người nông dân, chúng ta đã đấu tranh và đạt kết quả là duy trì được hạn ngạch nhập khẩu cho 4 sản phẩm nông nghiệp như đường, trứng gia cầm, nguyên liệu thuốc lá và muối.
 
 Nếu như không dùng biện pháp hạn chế, việc sản xuất tiêu thụ 4 mặt hàng này sẽ bị ảnh hưởng. Đây chính là biện pháp trong đàm phán các Hiệp định chúng ta tiếp tục duy trì, đấu tranh yêu cầu đối tác chấp nhận thực tế ở Việt Nam, để những sản phẩm nông sản có lộ trình tương đối dài cho đến khi nào mà lĩnh vực này của chúng ta vương lên, cạnh tranh được chúng ta sẽ mở cửa.
 
PV: Chúng tôi xin được chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi cuối của một số doanh nghiệp thép. Trong thư gửi về chuyên mục các doanh nghiệp này bày tỏ sự lo ngại khi Việt Nam kí Hiệp định liên minh thuế quan với Nga, Belarus và Kazaktan, hàng loạt doanh nghiệp thép trong nước có thể sẽ phá sản do không thể cạnh tranh. Vậy Bộ đã tính toán mức độ ảnh hưởng của các ngành hàng như thế nào trong quá trình đàm phán Hiệp định liên minh thuế quan này?
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Sản phẩm thép có rất nhiều chủng loại, cho nên trong đàm phán của chúng ta với Liên minh thuế quan, đoàn đàm phán có đưa ra một bản chào hàng, mở cửa cho phía bạn, theo đó, những sản phẩm mà chúng ta sản xuất đủ và thừa. Chẳng hạn như thép xây dựng thông thường, đề nghị bạn không mở cửa hoặc là nếu mở cửa phải có hạn ngạch, thuế suất cao nhưng ngược lại có những sản phẩm thép chúng ta chưa sản xuất được trong thời gian dài tới đây mà lâu nay chúng ta nhập khẩu như thép chế tạo.
 
Rõ ràng việc chúng ta cho phép các đối tác nước ngoài trong đó có Liên minh thuế quan được xuất khẩu sản phẩm thép này vào Việt Nam là có lợi cho chúng ta, bởi vì thuế thấp, các doanh nghiệp sử dụng thép chế tạo sản xuất ra sản phẩm thép của mình giá cả thấp hơn.
 
Đây là điều chúng ta phải nói rõ, không dư luật lại hiểu chúng ta mở cửa thị trường thép cho Liên minh thuế quan dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp thép gặp khó khăn, cần phải nhìn theo vấn đề và cách đàm phán mà hiện nay chúng tôi đang làm./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!.
VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo