Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Đinh La Thăng: “TNGT chết người có trách nhiệm của Bộ trưởng và GĐ Sở GTVT các tỉnh”

“TNGT chết người trước hết trách nhiệm thuộc về những người điều khiển phương tiện. Nhưng nguyên nhân gián tiếp và nguyên nhân sâu xa, chúng tôi nhận thức được đó chính là công tác quản lý nhà nước còn yếu kém, đặc biệt là yếu kém trong quản lý hoạt động vận tải, đứng đầu là Bộ trưởng và Giám đốc Sở các địa phương”.

Bộ trưởng bộ Giao Thông Vận Tải - Đinh La Thăng

Nếu như trong năm 2012, tính trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng 100 vụ tai nạn giao thông, làm chết 26 người, làm bị thương hàng trăm người khác thì trong năm 2013 này, bằng nhiều biện pháp, cả ba tiêu chí về số vụ, số người bị thương và số người chết do tai nạn giao thông đã được kiềm chế đáng kể... Tuy nhiên, có thể nói tai nạn và ùn tắc giao thông vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người dân khi đi ra đường. Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 29/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đã thẳng thắn nói về trách nhiệm của ngành GTVT trước các vụ TNGT chết người.

PV: Ở làng chúng tôi có tới hơn 2.000 con em đi làm việc tại khắp các địa phương trong cả nước. Mỗi lần nghe tin ở đâu xảy ra TNGT thì chúng tôi lại lo lắng con cháu mình bị tai nạn. Xin Bộ trưởng cho các cháu lời khuyên, đi làm ở địa phương nào thì an toàn hơn (Một nông dân ở xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình)?
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Năm 2013, cả nước thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TNGT đã giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong năm 2013 xảy ra 29.385 vụ tai nạn giao thông làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. So với năm 2012, số vụ giảm 5,2%, số người chết giảm 0,6% và số người bị thương giảm 9,4%. Có thể nói đây là kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, có thể thấy số vụ, số người chết, số người bị thương vẫn ở mức cao. Các địa phương tổ chức tốt tuyên truyền vận động người dân thì ở đó sẽ đảm bảo an toàn giao thông. 
 
Tôi lấy ví dụ như ở Hà Nội, TPHCM là nơi có mật độ giao thông dày đặc, lớn nhất cả nước nhưng năm 2013, các tiêu chí về tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí. Tôi cho rằng, tổ chức ở các địa phương này hết sức tốt.
 
PV: Thực tế vi phạm Luật giao thông nhưng nhiều trường hợp không bị xử lý. Theo Bộ trưởng, xảy ra tình trạng này phải chăng do lực lượng xử lý vi phạm giao thông còn mỏng, địa bàn phức tạp và thủ đoạn vi phạm giao thông thì càng tinh vi hay không?
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đây là câu hỏi nhưng cũng là lời trách cứ đối với ngành Giao thông. Trước hết về hiệu lực, hiệu quả xử lý vi phạm của chúng ta chưa tốt. Chúng ta chưa ứng dụng khoa học công nghệ vào việc phát hiện và xử lý vi phạm. Nhưng một nguyên nhân hết sức quan trọng đó chính là ý thức của người tham gia giao thông cố tình phóng nhanh vượt ẩu, uống rượu bia trong quá trình tham gia giao thông, có những biểu hiện  ngang nhiên thách thức chống đối người thực thi công vụ.
 
Để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải tiếp tục nâng cao hiệu lực hiệu quả xử lý vi phạm; xử lý công bằng, công khai, minh bạch, không dung túng, không bao che, không nương nhẹ và đồng thời tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho người dân tham gia giao thông phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông.
 
Muốn như vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục phải đi vào từng gia đình, từng dòng họ, từng ngõ phố, từng khu dân cư. Và như vậy, chúng ta sẽ xây dựng được văn hóa giao thông và xây dựng được xã hội văn hóa, an toàn.
 
PV: Bộ trưởng nhiều lần nhắc tới trách nhiệm của những người thực thi công vụ trong lĩnh vực quản lý giao thông. Năm 2013, vẫn còn nhiều vụ TNGT nghiêm trọng làm chết nhiều người. Vậy ai là người chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào và trong Bộ GT-VT có ai bị kỷ luật không, thưa Bộ trưởng?
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Trước hết, trách nhiệm thuộc về những người điều khiển phương tiện. Họ chính là những người điều khiển và trực tiếp gây ra tai nạn. Nhưng nguyên nhân gián tiếp và nguyên nhân sâu xa, chúng tôi nhận thức được đó chính là công tác quản lý nhà nước còn yếu kém, đặc biệt là yếu kém trong quản lý hoạt động vận tải.
 
Còn trách nhiệm quản lý nhà nước chính là Bộ GT-VT và Sở GT-VT các địa phương, đứng đầu là Bộ trưởng và Giám đốc Sở các địa phương. Tất cả các vụ việc tai nạn giao thông chúng tôi đều xác định rõ và tìm ra nguyên nhân cũng như có xử lý nghiêm.
 
Trong nhiều năm qua, cũng như trong năm 2013, rất nhiều cán bộ công chức, viên chức người lao động ngành Giao thông Vận tải bị xử lý trách nhiệm. Đó là cán bộ nhân viên đăng kiểm, cán bộ nhân viên đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cán bộ đầu tư ban quản lý dự án, rồi tư vấn thiết kế, đơn vị thi công… Tất cả những ai vi phạm, chúng tôi đều xử lý nghiêm minh. Có thể nói hàng chục, hàng trăm người trong nhiều năm qua bị xử lý nghiêm túc.
 
PV: Thưa Bộ trưởng Đinh La Thăng, vì sao Bộ trưởng không cử cán bộ vi hành, xem xe buýt đi hàng ngày như thế nào và những dịp lễ, Tết chúng cháu mua vé phương tiện giao thông khổ sở ra sao?
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Hàng năm, đặc biệt năm 2013, chúng tôi đã cử các đoàn, do các Thứ trưởng làm trưởng đoàn đi kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải ở các địa phương và từ việc kiểm tra đó, chúng tôi thấy được những tồn tại, bất cập để có chấn chỉnh và tham mưu Chính phủ khắc phục tồn tại trong kinh doanh vận tải. Kể cả việc cử cán bộ, công chức thanh tra trực tiếp các chốt, cũng như tuần tra lưu động, trực tiếp đi trên xe buýt cũng có, nhưng chưa được nhiều. Qua đó, chúng tôi phát hiện những tồn tại, bất cập và tham mưu cho Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển giao thông công cộng và vận tải bằng xe buýt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chúng tôi đang triển khai quyết liệt để nâng cao chất lượng vận tải xe buýt.
 
Câu hỏi của các bạn sinh viên, công nhân rất hay. Chúng tôi xin tiếp thu và tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, cử cán bộ công chức đi trực tiếp trên xe buýt, nhất là vào dịp lễ, Tết.
 
PV: Lâu nay ở nhiều địa phương đi đâu cũng gặp cảnh làm đường và sửa đường. Xin Bộ trưởng cho biết có giải pháp gì không để cho bà con đỡ khổ tại những khu vực làm đường hay sửa đường?
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã bố trí kinh phí để bảo trì sửa chữa dự án đường giãn và bố trí kinh phí đảm bảo giao thông cho các dự án đang triển khai. Kiên quyết thay thế ban quản lý, nhà thầu, tư vấn thiết kế mà không thực hiện đúng thiết kế tổ chức thi công và yêu cầu dừng ngay nếu không đảm bảo an toàn giao thông và môi trường cho người dân. Cuối cùng là chúng tôi đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng. Chúng tôi rất mong sự chia sẻ của người dân và tham gia giám sát và có phản ánh kịp thời những dự án thi công ảnh hưởng đến sự tham gia giao thông của người dân, chúng tôi kịp thời khắc phục và chấn chỉnh.
 
Nguyễn Nguyễn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo