Bộ trưởng Giáo dục ví một kỳ thi quốc gia như ..."Đi tàu"
Tại hội nghị tổng kết năm học 2013 – 2014 diễn ra ngày 29/7, khi đề cập tới các phương án của “một kỳ thi quốc gia”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ví von: “Như là đi tàu hỏa từ Ga Hàng Cỏ vào Ga Sài Gòn”, mà 3 phương án là các chặng Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang.
"Cuộc chạy này không của riêng tôi"
Các phương án của "một kỳ thi quốc gia" là thông tin được trông đợi nhất của hội nghị này. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã giới thiệu dự thảo các phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia theo hai hình thức thi: Thi theo môn hoặc thi theo bài (xem chi tiết tại đây).
Sau khi lắng nghe thảo luận, người đứng đầu ngành giáo dục nói: “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo. Cá nhân tôi cho rằng, 3 phương án giống nhau - chỉ khác nhau mức độ thôi.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ví von: điểm xuất của phương án dự thảo đưa ra nôm na như đoàn tàu hỏa đi từ Ga Hàng Cỏ đến Ga Sài Gòn. Cụ thể: phương án 1 đi vào đến Vinh, phương án 2 đi vào đến Đà Nẵng, phương án 3 vào đến khoảng Nha Trang. Từ đó vào đến TP.HCM còn môt khoảng nữa, đó là hành trình đi đến thi cử đánh giá đúng năng lực phẩm chất.
“Bộ GD-ĐT luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp vì "cuộc chạy" này không của riêng cá nhân tôi. Nếu chỉ có mình tôi chạy maraton mà chỉ có ít học sinh theo thì tôi thích làm ngay phương án 3 -sau đó đi dung dăng dung dẻ là vào đến Sài Gòn” – ông tiếp tục.
Nói về việc đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng ví von như "trận đánh lớn" mà thi cử là một trận 'tiến vào Buôn Mê Thuột"
'Trận đánh lớn' của giáo dục
“Nhưng đây là cuộc chạy không chỉ của một người, một nhóm người - mà là hàng triệu học sinh thi tuyển sinh hàng năm và thi tốt nghiệp. Do đó, phải cân nhắc để đi với tốc độ nào để các em khỏe, nhanh nhẹn thành thạo cũng đi được. Và các em chưa quen, không khỏe cũng đi được”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói rằng, cái khó của người thiết kế chính sách là làm thế nào để người cao lớn phải cúi lom khom, phải bò vì trần thấp. Đồng thời, không để người thấp phải gồng để trèo qua.
Sau hội nghị tổng kết năm học, sẽ tổ chức hội nghị các trường ĐH, CĐ để tiếp tục lấy ý kiến.
Tư lệnh ngành giáo dục cho rằng không nên tách bạch, phân tích cái này khác cái kia, bởi đây là mục tiêu, là đích trung gian. Nếu chỉ có ít người, thì cứ thẳng tiến chạy ngay vào Nha Trang, vào TP.HCM. Nhưng đoàn tàu đông người, nhiều toa, cần có sự vào cua cho “ngọt”, để không bị sốc, không bị chệch.
Vấn đề là làm thế nào để có sự lựa chọn phù hợp, để người cao lớn phát triển không phải cúi lom khom vì trần quá thấp, nhưng cũng để người thấp bé không bị ngợp, bị choáng, không thích ứng được. 3 phương án thi cũng vậy.
Bộ trưởng cho rằng quá trình lấy ý kiến góp ý chưa dừng lại. Sau hội nghị này, Bộ GD-ĐT xin phép Thủ tướng tổ chức hội nghị lãnh đạo các trường ĐH-CĐ toàn quốc để bàn tiếp về một số nội dung đã bàn ở hội nghị này và triển khai công việc của khối đào tạo. Ta còn thời gian để xử lý việc hệ trọng này.
"Bệnh nào có thuốc ấy"
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, phương thức xét tốt nghiệp THPT của năm vừa qua là học gì đánh giá nấy, 50% dựa vào kết qủa học tập các môn lớp 12, 50% từ kết quả thi 4 môn mà học sinh tự chọn, tránh được chuyện học tài thi phận, tránh học lệch, học tủ.
Khi đưa ra cách thức thi như vậy, có ý kiến lo ngại việc dạy học cho điểm, chạy điểm…
Bộ trưởng Luận cho rằng đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Như bác sĩ chữa bệnh vậy. Bệnh nội tâm dùng thuốc khác, bệnh ngoài da dùng thuốc khác. Không phải vì ngứa ngáy ghẻ lở mà không chữa bệnh tim. Bệnh nào có thuốc nấy.
Trong thực tế, cả xã hội cùng giám sát điểm số của học sinh, cách cho điểm của giáo viên. Ngành giáo dục đã dùng công nghệ quản lý điểm trên mạng, Sở làm chặt, trường làm chặt, các cháu, cha mẹ giám sát chặt chẽ, không dễ để thay điểm.
Về những đổi mới thi tốt nghiệp cho phép học sinh lựa chọn môn thi, Bộ trưởng chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã có lúc bàn với nhau hay là “làm một quả”, cứ làm một cú bất ngờ cho biết tay, năm trước thi Sử, năm sau lại thi Sử.
Nói đi để mà các cháu để không đoán "tủ", nhưng nói lại thì mình là người lớn, mình là thầy, làm thế không được. Đó không phải là cách giáo dục, đó không phải là cách nêu gương của người lớn, tốt nhất là cho các cháu tự chọn môn thi.”
Theo Bộ trưởng, thi tuyển sinh ĐH, CĐ hay nhất là cách ra đề cùng với thi tốt nghiệp. Trước khi tổ chức thi tốt nghiệp, một cuộc thỏa luận rất ồn ào học gì thi nấy… N¬hưng sau khi thi xong ta thấy các em nhẹ nhàng, thoải mái, đề thi chạm vào xúc cảm tâm hồn học sinh, làm cho suy nghĩ của học sinh gắn với suy nghĩ, lo lắng, quan tâm của cả nước. Thầy cô giáo chấm bài xúc động, có người tâm sự với Bộ trưởng rằng đọc bài thi mà cảm thấy lặng người vì các em viết hay quá.
Quan trọng hơn, sau hai kỳ thi này, các giáo viên ở cơ sở phản ảnh rằng như thế cách dạy, cách học sẽ phải thay đổi. Mấy chục năm nay, năm nào cũng hô hào đổi mới phương pháp dạy phương pháp học, có thay đổi nhưng không thay đổi theo hướng đổi mới căn bản, lần này hy vọng sẽ có.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo