Bộ trưởng KH&CN: Vải Lục Ngạn sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản
Trước thực trạng được mùa mất giá, vải chín quá nhanh mà không kịp tiêu thụ gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, tới đây mặt hàng này sẽ được xuất sang thị trường Nhật Bản.
Nhiều bất cập hạn chế về kết quả doanh thu của người nông dân, ngư dân đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân giải đáp và đưa ra các giải pháp khắc phục tại chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 29/6.
Bộ trưởng Nguyễn Quân đã chia sẻ với bà con ngư dân về việc cá ngừ đánh bắt có giá bán thấp do không có công nghệ bảo quản hợp lý. Theo Bộ trưởng, điều này xuất phát từ việc sản xuất quy mô nhỏ lẻ, chưa có những tàu dịch vụ để giúp cho bà con ngư dân bảo quản sơ bộ cá ngừ ngay sau khi đánh bắt, trong khi thời gian từ ngư trường về đất liền mất nhiều ngày. Nếu bảo quản bằng những phương pháp phổ biến thì khi về đến bờ phẩm chất của cá giảm đi, giá bán chỉ bằng 1/3 so với cá ngừ cùng loại của Nhật Bản.
Khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Bộ KH&CN đã hợp tác với tỉnh Phú Yên xây dựng một nhà máy để bảo quản cá ngừ cho bà con ngư dân Phú Yên, Bình Định. Bên cạnh đó cũng cần tập huấn cho bà con ngư dân quy trình thật chặt chẽ về thời gian bảo quản sơ bộ khi đánh bắt xong để đảm bảo chất lượng hải sản. Ngoài ra phía Nhật Bản cũng hỗ trợ công nghệ bảo quản sơ bộ đối với cá ngừ.
Liên quan đến cách bảo quản vải mà bà con nông dân đề cập qua chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết cách đây 3 năm, Bộ KH&CN đã hỗ trợ cho vùng vải thiều Lục Ngạn xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhờ đó giá bán đã cao hơn và bà con đã bớt phải bán đổ, bán tháo quả vải khi vào mùa chín rộ.
Tuy nhiên đấy vẫn chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài vẫn phải có công nghệ bảo quản chế biến hiện đại. Theo Bộ trưởng Quân, năm ngoái Bộ đã hợp tác với Nhật Bản nhập công nghệ về tế bào sống, công nghệ này đảm bảo những sản phẩm được bảo quản, sau thời gian rất dài vẫn giữ được phẩm chất tươi nguyên như khi vừa được thu hái. "Chắc chắn người nông dân ở khu vực trồng vải sẽ phải tổ chức sản xuất lại, gieo trồng, chăm bón cây vải theo một quy trình, trước mắt là VietGAP, về lâu dài là tiêu chuẩn Global GAP (Quốc tế). Khi đó quả vải mới có chất lượng đồng nhất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế chúng tôi hy vọng năm tới sẽ xuất khẩu vải sang Nhật Bản. Còn năm nay, 10 tấn vải thiều Lục Ngạn tuần tới sẽ lên đường sang Nhật Bản. Nếu được chấp nhận thì năm sau chúng tôi sẽ giúp bà con nông dân tiêu thụ vải ở thị trường Nhật Bản” – Bộ trưởng Quân nói.
Liên quan đến đề án bảo quản sau thu hoạch cho các sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, đến giai đoạn 2, giai đoạn 3 sẽ nhận chuyển giao công nghệ toàn bộ và hy vọng trong những năm tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư công nghệ này giúp cho bà con nông dân.
Trả lời người dân về sự lo ngại chồng chéo, lãng phí từ đề án mua công nghệ chế biến sau thu hoạch bảo quản quả vải, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, chắn chắn là không có tình trạng đó. Bởi tập đoàn ABI của Nhật Bản đã thỏa thuận với Bộ là đầu mối duy nhất để nhận chuyển giao công nghệ. Từ đây Bộ sẽ hợp tác với các doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.
“Bất kể địa phương nào muốn sử dụng công nghệ này đều phải hợp tác với Bộ KH&CN. Như thế sẽ không có tình trạng địa phương và Trung ương cùng đầu tư, như vậy sẽ không có chuyện lãng phí” - Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
8 chương trình đào tạo của trường Đại học Đông Á được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng
Lễ hội Áo dài Đà Lạt 2024 với nhiều điểm nhấn độc đáo
Cột tin quảng cáo