Bộ trưởng LĐ-TB-XH: Dạy nghề phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp
(vov) Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều ngày 13/6 chủ yếu liên quan đến đào tạo nghề và việc làm cho người dân.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng về giải quyết thực trạng hiện nay, nhiều nguồn lực đầu tư cho dạy nghề nhưng cơ sở không phát huy hiệu quả như có trường có thầy nhưng không đủ trò hoặc ngược lại. Nhiều học viên tốt nghiệp nhưng không đáp ứng được nhu cầu xã hội, của doanh nghiệp.
Về vấn đề này,, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, mục tiêu phấn đấu của Việt Nam đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần phải có đủ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập với các nước trên thế giới. Trong những năm gần đây, đầu tư cho dạy nghề được tăng cường, với trên 1.000 cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực này chưa đạt được như mong muốn, nhiều học viên tốt nghiệp nhưng trình độ, tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo các trường nghề không phải dạy nghề theo những gì mình có mà phải gắn với thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp. Trường dạy nghề cần phải tìm hiểu nhu cầu thị trường để thay đổi cách thức giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực. Đây việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề cập vấn đề mất việc hoặc đang không có việc làm. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, người dân bị mất việc làm hoặc đang không có việc làm thì cần phải được đào tạo lại để họ chuyển đổi nghề sao cho phù hợp với khả năng hơn. Trên cơ sở này, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương tìm hiểu số lượng lao động ở nhóm đối tượng trên cũng như nắm bắt khả năng, trình độ lao động để có phương án đào tạo lại nghề cho họ một cách hiệu quả nhất.
Đối với nhóm những người nghèo, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ, đào tạo nghề miễn phí và tìm việc phù hợp cho nhóm đối tượng này.
Về đề nghị làm rõ chức năng đào tạo nghề giữa Bộ LĐ-TB& XH và Bộ GD-ĐT của đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh), Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, đào tạo nghề cho những ngành nghề phục vụ cho mục tiêu sản xuất thì do Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp quản lý; còn đào tạo nghề từ Trung cấp chuyên nghiệp trở lên thì Bộ GD-ĐT quản lý. Sự phân công như Chính phủ quy định như hiện nay là hợp lý. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thắc mắc về sự chồng chéo phân công giữa đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp với Trung cấp nghề; Cao đẳng chuyên nghiệp và Cao đẳng nghề.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang được Chính phủ giao cho đề án Đổi mới cơ bản về GD-ĐT. Do vậy, những vấn đề mà các đại biểu nêu về sự chồng chéo trong đào tạo nghề sẽ được xem xét một cách kỹ lưỡng.
Bích Lan
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng mời nghệ nhân Đinh Văn Tâm làm linh vật Tết Ất Tỵ 2025
Đà Nẵng giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 vượt chỉ tiêu
Nhiều giải pháp để đạt tốc độ tăng trưởng 8% năm 2025
Cục CSGT nói gì về việc trả tiền tin báo vi phạm giao thông trên VNeTraffic?
Chi gần 10.000 tỷ đồng bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết