Bộ Trưởng ngành Tài Chính: Không nóng vội trong việc bán vốn Nhà nước
Ngày 17/11, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường về phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Mở màn buổi chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời chất vấn của ĐBQH về các vấn đề như nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thu chi ngân sách…
Liên quan đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Theo baochinhphu.vn, người đang ngồi "ghế nóng" ngành Tài chính cho biết, cơ chế chính sách quản lý cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được Chính phủ, các bộ ngành ban hành một cách đồng bộ. Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước phải cổ phần hóa 538 DN thì tới nay đã cổ phần hóa được 408 DN. Dự kiến tới hết 2015 sẽ cổ phần hóa được 90%.
Về bán vốn doanh nghiệp Nhà nước, năm 2015, cả nước đã bán 27.000 tỷ đồng (chiếm 2,1% vốn nhà nước tại doanh nghiệp) thu về 35.169 tỷ đồng. Tính từ năm 2011 tới nay mới bán được 5% vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi tổng vốn khoảng 1,3 triệu tỷ đồng.
Vị tư lệnh ngành Tài chính thừa nhận việc bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhưng không thể nóng vội, phải cẩn thận vì thị trường tài chính không chắc chắn và bán vốn, thoái vốn nhà nước tại doanh phải có thứ tự, tránh gây thất thoát cho nhà nước. Riêng Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và cả thúc đẩy thị trường chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài nâng mức sở hữu.
“Bán chậm nhưng nếu bán không cẩn thận thì dễ gây thất thoát vốn nhà nước. Rất sốt ruột nhưng không nóng vội, việc đẩy nhanh tiến độ là cần thiết nhưng phải cẩn trọng, từng bước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Trên cơ sở đó, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng đưa ra các giải pháp thực hiện là tiếp tục theo dõi, rà soát và hoàn thiện cơ chế và chính sách liên quan tới cổ phần hóa. Rà soát, phân loại lại DN nào Nhà nước cần nắm giữ, DN nào không cần nắm giữ thì theo thị trường ta thoái dần dần. Hoàn chỉnh gia tăng nhiệm vụ của bộ ngành cơ quan, tổng công ty địa phương và tăng cường kiểm tra giám sát cổ phần hóa thoái vốn, đảm bảo hiệu quả, đồng bộ trên thị trường tài chính.
Trả lời đại biểu liên quan đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan của Việt Nam vào nhóm ASEAN 4, Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá: “Hải quan rất là tốt, 100% thông quan điện tử”.
Chủ tịch Quốc hội tiếp tục ngắt lời Bộ trưởng: “Hải quan thì đại biểu hỏi thế này, chúng ta vào nhóm ASEAN 5, nhóm 4 bao giờ đồng chí đạt được, nói như thế Quôc hội nghe phấn khởi và tin tưởng?”. Đáp lời Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Dũng nói: “ASEAN 6 năm nay là đạt được theo nghị quyết 19 của Chính phủ, còn ASEAN 4, 5 là năm 2016”.
Liên quan đến vấn đề thu chi ngân sách Nhà nước, là người nắm túi tiền của quốc gia, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận tỷ lệ chi thường xuyên hiện nay vẫn lớn, ảnh hưởng đến chi phát triển và trả nợ. Hiện nay, chi thường xuyên cao tới 67-68% GDP nên ảnh hưởng tới chi đầu tư phát triển.
Bộ trưởng ngành Tài chính cũng nhìn nhận, thời gian qua cơ cấu thu thay đổi tích cực. Trong bối cảnh hội nhập, giảm thuế như vậy nhưng thu nội địa tăng, đạt 74% trong cơ cấu thu NSNN. Tỷ lệ huy động thuế, phí vào NSNN đạt 24%. Đặc biệt quy mô NSNN ngày càng tăng lên nhưng tỷ lệ chi thường xuyên giảm xuống. Năm 2016 dự kiến chi thường xuyên sẽ chỉ con 64% và tới năm 2020 còn khoảng 58-59%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo