Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói về vụ 3 trẻ tử vong vì tiêm vắc xin
Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời về những vấn đề này cũng như một số thắc mắc của người dân về những bất cập trong việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm hoặc những giải pháp khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện.
Thưa Bộ trưởng, trước hết xin được bắt đầu ngay với một số thư gửi với thái độ rất bức xúc về vụ việc 3 cháu nhỏ bị chết sau khi tiêm vắc xin tại Quảng Trị. Về vụ việc này, mới đây cơ quan điều tra đã có thông tin chính thức. Tuy nhiên, các bức thư này có chung thắc mắc là tại sao đến thời điểm này chưa có ý kiến chính thức từ Bộ Y tế?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trước hết thay mặt lãnh đạo ngành y tế Việt Nam và cá nhân, tôi muốn gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc đến gia đình của 3 trẻ bị tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị. Đây là sự việc hy hữu rất nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong lịch sử 25 năm tiêm chủng ở Việt Nam. Vì vậy, Bộ Y tế đã cử ngay đoàn công tác kết hợp với công an và y tế địa phương điều tra.
Do tính chất vụ việc nghiêm trọng và có kết luận khách quan, chúng tôi có văn bản đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra. Trong thời gian điều tra, các bên liên quan có sự hợp tác chặt chẽ. Về vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêm chủng thì Bộ Y tế trước đây đã tham mưu ban hành luật truyền nhiễm. Trong đó có điều 30 quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế, ủy ban nhân dân, chương trình tiêm chủng mở rộng của sở y tế, đơn vị sản xuất vắc xin và của người tham gia tiêm chủng.
Trước đây, Bộ Y tế cũng đã ban hành từ 2008 quyết định 23 quy định chặt chẽ quy trình tiêm chủng an toàn trên toàn quốc; tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện các điểm tiêm chủng trên toàn quốc, nếu đạt điều kiện thì mới cho tiêm chủng. Hiện, chúng tôi đang xây dựng nghị định về tiêm chủng để có hành lang pháp lý cao hơn và chi tiết hơn trong vấn đề thực hành tiêm chủng.
Ngày 10/10/2013, Công an tỉnh Quảng Trị đã quyết định tống đạt vụ án do vô ý làm tử vong cho 3 trẻ sơ sinh vì không thực hiện đúng thực hành tiêm chủng. Như vậy, nguyên nhân ở đây không phải do vắc-xin mà do người tiêm chủng không thực hiện đúng quy trình tiêm chủng, dẫn đến tử vong của các cháu.
Tôi mong các bà mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng vì tương lai của các cháu. Và, tôi cũng gửi thông điệp tới đồng nghiệp làm tiêm chủng trong toàn quốc, chúng ta đã rất vất vả trong nhiều năm qua để bảo vệ, phòng bệnh và giảm tử vong cho hàng triệu trẻ em. Nhưng với một chút sơ suất thì có thể dẫn đến tử vong và tai biến đáng tiếc cho các cháu. Vì vậy, các bạn hãy làm việc hết trách nhiệm, cố gắng cao nhất, đặt vấn đề an toàn tiêm chủng cho các cháu lên trên hết.
Có một lá thư của cử tri viết rằng, hiện nay còn tình trạng phân biệt đối xử đối với người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, đặc biệt là việc lạm dụng, rút ruột bảo hiểm y tế thông qua việc kê đơn thuốc biệt dược hay việc xét nghiệm. Bộ trưởng có ý kiến về vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Phản ánh chúng tôi nghĩ là đúng và có trường hợp như vậy. Qua tiếp xúc cử tri, cũng có phản ánh là có sự phân biệt đối xử giữa người khám bảo hiểm y tế và người khám dịch vụ. Điều này trong ngành y tế không chấp nhận được. Vì dù khám dịch vụ hay bảo hiểm thì trước mặt ta đều là người bệnh, đều phải khám và chữa bệnh với kết quả cao nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, không phải trường hợp cá biệt mà biến thành phổ biến, thấy cây mà không thấy rừng. Bởi vì bảo hiểm y tế ở nước ta thời gian qua đạt được kết quả đáng kể.
Thống kê năm 2012 số lượt người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế là 121 triệu lượt người. Với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 68% trong cả nước mà nguồn thu cũng như phần chi khám chữa bệnh cho toàn quốc là 60-80% tùy theo tuyến là từ bảo hiểm y tế.
Như vậy, bảo hiểm y tế vẫn thu hút nhiều người, điều mà các nước khác chưa chắc đã thực hiện được, vì chúng ta là bảo hiểm xã hội, cung cấp dịch vụ y tế cơ bản. Với mệnh giá hơn 500 nghìn đồng, người bệnh được chữa bệnh và sử dụng kỹ thuật cao, kể cả bệnh mãn tính như chạy thận nhân tạo, can thiệp tim, mổ tim chi phí 100-200 triệu nhưng bảo hiểm y tế vẫn thanh toán.
Bên cạnh đó, gần đây do bảo hiểm y tế chưa hấp dẫn người dân vì giá dịch vụ y tế qua 17 năm qua vẫn không thay đổi. Ví dụ tiền khám bệnh 3.000. Thông tư 04 liên bộ đã điều chỉnh giá dịch vụ 3/7 yếu tố, đó là chi phí khám bệnh, tiền giường bệnh và một số chi phí trực tiếp.
Như vậy, trước đó người bệnh với giá thấp phải bỏ tiền ra để bù với giá thật, thì hiện nay đã được bảo hiểm thanh toán, như vậy rất tốt đặc biệt đối tượng người nghèo, cận nghèo.
Những đối tượng này, Nhà nước mua cho thẻ bảo hiểm, trong đó người nghèo nhà nước chi phí 100%, người cận nghèo nhà nước chi 70%. Một số tỉnh chi 30% còn lại hỗ trợ người cận nghèo.
Chúng tôi nghĩ, những đối tượng đó, nếu phải chi phí khám chữa bệnh như chúng tôi vừa kể thì chắc chắn sẽ không đủ khả năng. Đương nhiên, vì chúng ta phải tạo nên đa dạng các loại hình dịch vụ để người dân lựa chọn, với loại hình dịch vụ y tế chất lượng cao hơn vì giá dịch vụ đã tính đầy đủ trong đó.
PV: Thưa Bộ trưởng, có một công chức nhà nước có người thân đang nằm viện trong tâm trạng khá bức xúc, viết thư về cho chuyên mục trình bày như sau: Viện phí đã điều chỉnh được 1 năm rồi, tiền đã tăng lên sao hàng ngày chúng tôi vẫn thấy chất lượng khám chữa bệnh chưa được cải thiện, kể cả vấn đề y đức. Không rõ mục tiêu tăng viện phí là gì nếu nó không nhằm cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Cách đây 5 tháng, tôi thấy Bộ trưởng từng nói đến kế hoạch khá chi tiết để giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng bệnh viện. Không hiểu kế hoạch này được thực hiện cụ thể ra sao hay vẫn nằm trên giấy tờ?”. Bộ trưởng có thể trao đổi thêm về vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Điều chỉnh giá dịch vụ thực chất có 3/7 yếu tố tạo thành giá. Trong 3 yếu tố đó thì mới tính từ 60-90% chứ không phải là tính hết 100%. Cho nên khi điều chỉnh giá dịch vụ đó, cơ sở vật chất không thể tăng lên ngay được. Và cũng không thể nào giảm tải bệnh viện. Những điều chỉnh đó, giúp bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế không phải trả thêm tiền túi của mình cho tiền giường bệnh, tiền khám bệnh và một số chi phí về thuốc, vật liệu tiêu hao. Như vậy cũng là làm tăng chất lượng khám chữa bệnh hơn.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện trích 15% của phần thu điều chỉnh giá dịch vụ này để cải tạo khoa khám bệnh để tăng bàn khám, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thủ tục và cải cách hành chính để giảm thời gian chờ đợi tối đa. Vì khoa khám bệnh là bộ mặt của bệnh viện và hàng ngày có hàng ngàn thậm chí 3-4 ngàn bệnh nhân đến khám. Điều này là bước đầu, nếu như người dân có thể đến thăm một số địa phương thì thấy rằng bộ mặt nhiều bệnh viện thay đổi hẳn, giảm thời gian chờ khám bệnh.
Như vậy, vấn đề giảm tải không thể giải quyết một sớm một chiều bởi điều chỉnh giá dịch vụ. Vì sau khi Thủ tướng ban hành quyết định về Đề án giảm tải thì đề án không thể nằm trên giấy mà phải thành hiện thực. Bởi lẽ muốn giảm quá tải thì số giường bệnh trên 10 ngàn dân của chúng ta thấp so với thế giới. Hiện chúng ta mới là 2,5 giường bệnh/10.000 dân trong khi trên thế giới là 39 giường bệnh/10.000 dân. Cho nên muốn giảm tải thì phải tăng số giường bệnh và mở thêm bệnh viện. Trong thời gian qua Chính phủ đã hỗ trợ xây bệnh viện mới ở bệnh viện huyện và bệnh viện tuyến tỉnh ở vùng khó khăn thì tăng thêm số giường bệnh.
Gần đây, Chính phủ quyết định chi khoảng 20.000 tỷ để xây mới cơ sở 2 của các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho 5 chuyên khoa quá tải và xây các bệnh viện quy mô hàng ngàn giường trở lên và hiện đại.
Muốn làm được điều này, chúng tôi nghĩ rằng không dưới 3 năm. Giải pháp thứ hai căn cơ và lâu dài là xây dựng bệnh viện vệ tinh cho 5 chuyên khoa quá tải. Đó là các bệnh viện tuyến tỉnh mà Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối chuyển giao kỹ thuật cao từ đó họ sẽ làm được kỹ thuật cao mà không phải chuyển lên.
Như vậy, sau khi triển khai 2-3 năm, 49 bệnh viện vệ tinh ở 36 tỉnh vẫn có thể thực hiện kỹ thuật cao mà không phải chuyển lên tuyến trên.
Thứ ba, chúng tôi tăng cường thí điểm mạng lưới bác sĩ gia đình để chăm sóc bệnh thông thường mà không phải đến bệnh viện. Ngoài ra, chúng tôi trình Chính phủ Đề án y tế cơ sở, trong đó xây dựng chuẩn trạm y tế quốc gia mới. Theo đó, bệnh nhân khám bệnh ở nơi này rất yên tâm vì hiện nay tỷ lệ người khám bảo hiểm ở trạm y tế xã là 40%. Với nỗ lực của toàn ngành y tế, hy vọng có sự thay đổi lớn trước mắt là giảm tải sau đó nâng cao chất lượng.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
End of content
Không có tin nào tiếp theo