Bộ trưởng Nông nghiệp: Không chủ động ứng phó thiên tai có thể sẽ dẫn đến thảm họa
Lo lắng về diễn biến thời tiết trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục có mưa lớn, bão, thấp nhiệt đới, trong khi đó các cơ sở hạ tầng ứng phó với thiên tai đã xuống cấp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cảnh báo "Nếu không có phương án ứng phó với thiên tai có thể có chỗ sẽ dẫn đến thảm họa".
Chiều nay (25/7), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã có báo cáo nhanh về diễn biến thời tiết tại các tỉnh phía Bắc trong thời gian tới.
Theo đó, từ nay đến ngày 27/7, mưa sẽ tập trung ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, chủ yếu Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, với lượng mưa cục bộ từ 50-100mm. Từ ngày 28-31/7, mưa dịch chuyển xuống và tập trung ở khu vực Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng.
"Đáng lưu ý nhất, Yên Bái sẽ chịu mưa liên tục nhất, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng đặc biệt là Lai Châu. Do đó,các địa phương cần có biện pháp chủ động để ứng phó với diễn biến thời tiết này" - ông Cường cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, thế giới liên tiếp phải hứng chịu các trận thiên tai lớn, nhất là mưa lũ lịch sử tại miền Tây Nhật Bản làm 242 người chết; mưa lũ trên diện rộng tại 241 con sông/16 tỉnh tại Trung Quốc làm 33 người chết; động đất tại Indonesia làm 176 người chết; nắng nóng tại Tokyo Nhật Bản làm 33 người chết và 37 người chết ở Canada...
Cũng theo Bộ trưởng Cường, tổng hợp từ đầu năm 2018 đến nay, tại Việt Nam, thiên tai đã làm 110 người chết và mất tích, 82 người bị thương. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.600 tỷ đồng.
"Đợt mưa lũ vừa rồi đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Dự báo thời gian tới lại tiếp tục có mưa, chưa kể sẽ có áp thấp nhiệt đới, bão, trong khi đó các thiết chế hạ tầng ứng phó với thiên tai đã bị tổn thương nặng nề. Hơn 2.000 hồ, trong đó hơn 200 hồ đã bị xuống cấp hết sức nguy hiểm; hơn 200 km đê, 18 điểm xung yếu, vừa qua đã có nhiều đoạn đê bị tràn, đặc biệt là hệ thống đê cấp 3 và cấp 5 của chúng ta cũng đang bị xuống cấp...
Chính điều này đang đặt ra mối quan tâm hết sức bức thiết, chúng ta không có giải pháp tích cực, quyết liệt ứng phó thì thiệt hại không chỉ như vừa rồi, không cẩn thận có chỗ sẽ dẫn đến thảm họa" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị: Tổng cục Thủy lợi tiếp tục rà soát tiếp các hồ để có biện pháp xử lý kịp thời; Bộ Công Thương cần rà soát 285 hồ, đây là những hồ do Ban Chỉ huy PCTT các địa phương quản lý; Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cần thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết trong những ngày tới; Tình hình mưa lũ vừa qua vẫn còn nhiều địa phương ngập lụt, đề nghị ngành y tế hết sức chú ý tới vấn đề dịch bệnh; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cần trực 24/24h, thường xuyên có liên lạc với các địa phương để phối hợp kịp thời trong công tác ứng phó với thiên tai,...
Nên đọc
Theo Dân trí
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo