Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Tài chính: “Nợ công vẫn an toàn”

Trấn an lo lắng của các ĐBQH cũng như cử tri về tình hình nợ công đang tiến sát ngưỡng trần 65%GDP cho phép, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định nợ công vẫn an toàn.

 Chiều 30/10 Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế xã hội. Dù nhất trí cao và tán thành với những chỉ tiêu, mục tiêu nêu trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội nêu cách đây 10 ngày, nhưng 20 ý kiến phát biểu của các ĐBQH lại vẫn có chung những mối lo về nợ công, nợ xấu và chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định nợ công vẫn an toàn
 
 
Tán thành với ý kiến của Chính phủ và đánh giá kinh tế xã hội chuyển biến tích cực, toàn diện nhưng ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) vẫn bày tỏ nỗi lo về tỷ lệ nợ công hiện nay đã sát ngưỡng “trần” 65% GDP. Thêm vào đó, cơ cấu nợ công hiện nay đang bất hợp lý với tỷ lệ chiếm tới 63% tổng chi trong cơ cấu nợ công.
 
Có quá nhiều chương trình, dự án quốc gia nhưng lồng ghép hiệu quả đầu tư chưa tương xứng với đồng vốn bỏ ra. Đây đó vẫn còn cơ chế "xin cho" đã làm giảm chất lượng của nền kinh tế. Cũng theo ĐB Trần Xuân Vinh, chỉ tiêu tăng GDP không nên quá chú trọng tỷ lệ % tăng trưởng, mà cần xem xét chất lượng tăng trưởng.
 
Dẫn chứng thực tế, trong khi đóng góp tăng trưởng của khối DN trong nước ngày càng giảm thì sản lượng tiêu thụ và tăng trưởng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Điều đáng chú ý là khối DN này đã khai thác nguồn tài nguyên, tận dụng nguồn lao động giá rẻ, song giá trị thực mà Việt Nam được hưởng không nhiều và ngày càng giảm. Do đó, ông Vinh cho rằng cần khẩn trương kiểm tra, rà soát chính sách, thể chế kể cả các định chế tài chính trong việc quản lý nguồn vốn trong quá trình điều hành, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
 
Nhiều ý kiến phát biểu của các ĐBQH cũng cùng chung mối lo về tỷ lệ nợ công đang tăng nhanh trong thời gian gần đây.
 
Được chỉ định trả lời thắc mắc của ĐB liên quan tới nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, tình hình nợ công trong thời gian qua là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều cử tri và Đại biểu Quốc hội. “Tuy nhiên, nợ công vẫn trong giới hạn an toàn”- ông nói.
 
Theo Bộ trưởng Dũng, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại; cân đối ngân sách Nhà nước cùng lúc phải sắp xếp, cân đối nguồn lực để thực hiện nhiều giải pháp quan trọng…nên dẫn đến tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong ngân sách Nhà nước giảm so với các giai đoạn trước. 
 
Từ năm 2010, Việt Nam đã phải huy động trái phiu Chính phủ cho đầu tư lớn. Bội chi ngân sách cao, cùng với việc thúc đẩy nhanh giải ngân ODA, dư nợ công tăng nhanh cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP. Năm 2011 nợ công chiếm 50% GDP; tăng 24,8% so với năm trước; năm 2012 là 50,8% GDP; tăng 18,4% ... Ước năm 2014 nợ công là 60,3% GDP; tăng 23,3%; dự kiến năm 2015 là 64% GDP; tăng 19,9%.
 
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đảm bảo trả đủ, kịp thời nợ đến hạn; không làm phát sinh nợ xấu.
 
Cơ cấu các khoản nợ vay trong nước tăng góp phần giảm tỷ lệ vay nước ngoài và rủi ro về tỷ giá. Đồng thời cho thấy sự tự chủ của kinh tế trong nước.
 
Dư nợ trong nước của Chính phủ tăng từ 43% năm 2010 lên 54,5% năm 2014. Nợ nước ngoài giảm tương ứng từ 59,7% năm 2010 xuống còn 45,5% năm 2014. Về sử dụng tiền vay, vay đầu tư chiếm 98,1%; vay ngân sách 1,4%; vay chi sự nghiệp 0,4%.
 
Tuy nhiên, tư lệnh ngành tài chính cũng thừa nhận dư nợ công tăng nhanh, cuối 2015 dự kiến tỷ lệ nợ công sẽ trên 64%GDP-  sát ngưỡng quy định của Chính phủ. Cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, các khoản vay trong nước đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu là vay ngắn hạn. Thời hạn vay nợ trong nước trung bình chỉ khoảng 4,4 năm, riêng trái phiếu Chính phủ là 2,6 năm làm tăng áp lực chi trả ngắn hạn.
 
“Thực tế trong những năm qua chúng ta đã phải đảo nợ để trả nợ khi đến hạn. Dự kiến số nợ phải trả năm 2014 là 77.000 tỷ đồng”- Bộ trưởng Dũng cho biết.
 
Riêng về phát hành trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính tiết lộ, theo kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ có kế hoạch bán ra khoảng 145.000 tỷ đồng trong 2015-2016. Cụ thể, 85.000 tỷ đồng năm 2015 và 60.000 tỷ đồng vào năm 2016.
 
Giai đoạn 2017-2020, Chính phủ dự kiến mỗi năm sẽ phát hành trung bình 50.000 tỷ đồng.
Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo