Thị trường

Bộ trưởng Thăng: ‘Không có vùng cấm’ kinh doanh hàng không

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhiều lần khẳng định kinh doanh trong lĩnh vực hàng không là “không có vùng cấm”, cũng “Không chỉ riêng doanh nghiệp của Bộ GTVT là được kinh doanh hàng không”.

 Air Mekong cũng là cái tên khá ấn tượng nhưng đến nay cũng đang tạm ngừng bay

Bộ không cấm

Luật sửa đổi Luật Hàng không dân dụng được Bộ trưởng Thăng trình bày mới đây bắt đầu bằng việc tái cơ cấu ngành hàng không. Theo đó, “Tách hoàn toàn chức năng quản lý nhà nước ra khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh”, tách “khai thác kết cấu hạ tầng ra khỏi hoạt động kinh doanh vận tải”.

Cho đến hiện tại, đã có các hoạt động vận tải hàng không, khai thác cảng hàng không, sân bay đã được thương mại hóa cho phép cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cùng tham gia.

Tờ Lao động dẫn lời ông Thăng, riêng trong lĩnh vực vận tải, hiện có 4 doanh nghiệp tham gia là Vietnam Airline; Jestar Pacific Airline; Vietjet Air và Công ty bay dịch vụ hàng không.

Theo Bộ trưởng, hoàn toàn không có quy định chỉ các DN Bộ GTVT được phép kinh doanh trong hàng không dân dụng. Và việc luật không ghi vùng cấm là thể hiện nguyên tắc nhất quán: Tất cả các cá nhân, DN có năng lực đều có thể kinh doanh hàng không: “miễn là đủ đáp ứng các điều kiện, nếu không thì loạn hết”.Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về việc tự do kinh doanh. Tuy nhiên Bộ trưởng Thăng khẳng định kinh doanh hàng không là kinh doanh có điều kiện. Nhà nước chỉ quản lý bay vì đây là lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng. Ông Thăng dẫn thực tế: “Trong các danh mục cổ phần hóa của Bộ chỉ trừ Tổng công ty Quản lý bay là không cổ phần hóa”.

Ông khẳng định kinh doanh hàng không “Không có vùng cấm, cũng không chỉ riêng DN của Bộ được kinh doanh hàng không”.

Hàng không tư nhân chết yểu

Trên thực tế đã không ít doanh nghiệp đầu tư vào hàng không Việt Nam đã phải ngậm ngùi ra đi. Trong số 5 hãng được cấp phép từ 2007, hiện chỉ còn VietjetAir trụ lại, Indochina Airlines phá sản, Trãi Thiên khai tử, Blue Sky không được nhắc tới, giờ đến lượt Air Mekong khó khăn.

Indochina Airlines là hãng hàng không tư nhân đầu tiên đi vào hoạt động tại Việt Nam, nếu không tính tới Jetstar Pacific (có phần vốn góp của Nhà nước doVietnam Airlines đại diện).

Bay chuyến đầu tiên vào ngày 25/11/2008, nhưng chỉ một năm sau, Indochina Airlines lún sâu vào khủng hoảng chủ yếu do suy thoái kinh tế. Đến tháng 9/2009, hãng hàng không của nhạc sĩ Hà Dũng chỉ còn một chặng bay TP HCM - Hà Nội. Năm 2011, hãng dần teo tóp, nợ tiền xăng đối tác, nợ lương nhân viên và xin ngừng cất cánh. Đến cuối năm 2011, Indochina Airlines biến mất khỏi bản đồ bay Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam lúc đó giải thích nguyên nhân rút giấy phép bay của Indochina Airlines là hãng này đã ngừng khai thác quá lâu và cũng không có một động thái nào cho thấy hoạt động trở lại.

Còn Trai Thien Air Cargo là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp phép chuyên vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, nhưng cũng đành phải khép lại giấc mơ bay. Thành lập vào tháng 6/2008, Trãi Thiên được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trong nước từ tháng 10/2009 với vốn pháp định là 500 tỷ đồng.

Nhưng sau một năm, hãng vẫn chưa công bố kế hoạch sắm tàu bay, lên lịch bay, trong khi nhân viên liên tục gửi đơn tố cáo về chuyện nợ lương, cán bộ chủ chốt tản mạn tìm chỗ làm mới.

Đến tháng 12/2011, hãng bị rút giấy phép kinh doanh mà lý do Cục Hàng không đưa ra cũng là Trãi Thiên không có bất cứ dấu hiệu gì về khả năng cất cánh.

Với Blue Sky Air, tháng 8/2010, Cục Hàng không đã cấp giấy phép hoạt động cho Hãng hàng không Bầu Trời Xanh, Hãng sẽ khai thác các loại máy bay như trực thăng, thủy phi cơ và tất cả các loại máy bay cánh bằng khác.

Ban đầu hãng đăng ký khai thác hơn 20 tuyến du lịch trong nước. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn không có thêm thông tin nào về hoạt động của hãng này.

Air Mekong cũng là cái tên khá ấn tượng nhưng đến nay cũng đang tạm ngừng bay. Air Mekong là cái tên mới nhất góp mặt vào danh sách các hãng hàng không tư nhân đối diện với khó khăn. Với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, hãng được thành lập bởi nhiều nhà đầu tư Việt Nam mà đại diện là Công ty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group).

Chính thức bay vào tháng 10/2010, sau gần 2 năm hoạt động, Air Mekong có 4 tàu bay thương mại Bombardier CRJ 900 có thể bay trên độ cao 12.000 m với 13 đường bay đến 9 điểm nội địa.

Air Mekong đưa ra lý do đổi tàu bay để giải thích cho việc tạm ngừng bay từ đầu tháng 3/2013, nhưng đến nay vẫn chưa có thêm thông tin về sự hoạt động trở lại của hãng này.

Từng nêu ý kiến về vấn đề này, TS Trần Đình Bá, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, Cục Hàng không đã trở thành là “pháo đài bảo thủ” không chịu đổi mới “với ba thập kỷ bế quan tỏa cảng ngăn các hãng hàng không tư nhân giá rẻ vào và đã bức tử các hãng hàng không tư nhân như ICA, MCA và JPA đang dồn gánh nợ 2 triệu USD/tháng cho Chính phủ. Sau phá sản của ICA - MCA, cục Hàng không mời gọi họ vào bay tiếp nhưng ai bay…!

"Hàng không một mình một chợ theo kiểu “Đóng cửa là con ế chồng” và giờ thì họ đã thấm", TS Bá nói.

Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo