Bộ trưởng Thăng "trảm tướng"... "cũng thường thôi"
“Để công trình đội giá lên 2,5 lần, với thẩm quyền của mình, nếu ông ấy “trảm” được ai đó trong vụ việc này, tôi sẽ thay đổi quan điểm với Bộ trưởng Đinh La Thăng”
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải chia sẻ với phóng viên khi đề cập đến công trình đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình "đội" vốn đầu tư từ 3.734 tỉ đồng lên mức 8.974 tỉ đồng theo công bố của Kiểm toán nhà nước. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của dư luận và báo chí trong mấy ngày qua.
Xoay quanh việc triển khai các dự án giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng công tác định hướng quy hoạch là vấn đề cực kỳ quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả yếu tố công nghệ. Nhưng đáng tiếc vấn đề quy hoạch cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lại yếu kém. Bằng chứng là hướng tuyến dự án kém, quy hoạch không đảm bảo làm cho “đủ thứ đội giá lên”. Rồi còn nhiều nguyên nhân khác như giải phóng mặt bằng chậm, thời gian thi công kéo dài cũng làm tăng chi phí…
Tuy nhiên những nguyên nhân này hầu như công trình nào cũng vướng phải. Nhưng điều quan trọng là chủ đầu tư và các bên liên quan phải có tầm nhìn, biết dự báo tình hình, đưa ra những phương pháp tính toán một cách chính xác, khoa học để hạn chế rủi ro.
Ngoài lý do giữa lý thuyết và thực thực tế khác xa nhau khiến công trình đội giá, TS Thủy cũng cho rằng không thể loại trừ yếu tố tiêu cực, ăn chia.
Vậy mấu chốt của vấn đề là trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời thật không dễ. Chuyên gia giao thông cho rằng, hiện chúng ta không đưa ra một quy định cụ thể nào. Chẳng hạn công trình chỉ được trượt giá bao nhiêu, còn nếu bị đội giá lên gấp 2 – 3 lần thì sẽ bị quy trách nhiệm thế nào, có bị mất chức hay không?...
“Vì không có quy định cụ thể nên vốn đầu tư cứ tăng lên, rồi nhà nước phải trả, dân phải chịu. Không thể một công trình mà đội giá lên tới 2,5 lần như vậy, chỉ có thể ở trên trời rơi xuống thôi” – TS Thủy bức xúc.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thủy, bài học lớn nhất vẫn là năng lực cán bộ. Mỗi công trình phải có một anh đứng đầu chịu trách nhiệm ở tất cả các khâu quy hoạch, kỹ thuật, an toàn, hay giá cả… Nếu công trình làm chất lượng tốt, anh xứng đáng được thưởng. Ngược lại nếu công trình kém chất lượng, đội giá quá cao, hoặc xảy ra rủi ro thì anh đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, thậm chí phải mất chức, ra tòa.
“Công trình đội giá lên mức lạ lùng như vậy ai chịu trách nhiệm đây? Đồng tiền đã đi đâu? Phải quy trách nhiệm cụ thể chứ không chung chung được” – ông Thủy nêu vấn đề, đồng thời cho rằng, đây là con số rõ ràng để cho thấy giá công trình của chúng ta đắt hơn nhiều so với thế giới.
Cũng liên quan đến việc xử lý trách nhiệm, báo chí và dư luận một lần nữa lại hướng về Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng – vị “tổng tư lệnh ngành” hay được nhắc đến với hành động mà lâu nay người ta vẫn gọi là “trảm tướng”.
Mặc dù được dư luận hết sức đề cao, nhưng TS Nguyễn Xuân Thủy lại thấy câu chuyện “trảm tướng” của Bộ trưởng Thăng cũng “bình thường thôi”. Theo ông, muốn biết “tổng tư lệnh” ngành giao thông “trảm tướng” thế nào, cần phải chờ xem cách xử lý của Bộ trưởng ra sao trong trường hợp cụ thể này.
“Tôi không đánh giá cao Bộ trưởng Đinh La Thăng về cái mà dư luận lâu nay vẫn quen gọi là “trảm tướng”. Cần phải chờ xem Bộ trưởng Thăng xử lý thế nào khi cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đội giá lên đến 2,5 lần. Với thẩm quyền của mình, nếu ông ấy “trảm” được ai đó trong vụ việc này, tôi sẽ thay đổi quan điểm với Bộ trưởng Đinh La Thăng”.
TS Nguyễn Xuân Thủy “đặt cược”, nhưng cũng tiên lượng: Mọi chuyện rồi cũng “hòa cả làng”.
Còn nhớ bên lề một kỳ họp Quốc hội mới đây, đề cập đến vấn đề “trảm tướng” phóng viên nêu ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói, ông chưa “trảm” ai mà chỉ là báo chí nói như vậy.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo