Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: “Môi giới bất động sản cần trình độ đại học”
Điều 9, Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi quy định: Khi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản hoặc sàn giao dịch bất động sản phải có ít nhất hai người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Đối với cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Với thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, liệu có cần thiết phải quy định hành nghề môi giới bất động sản hay không? Có phải cấp chứng chỉ hành nghề này hay không?
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, quy định cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản là cần thiết, vì điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng mà còn cả quyền của người bán.
“Ở một số nước môi giới bất động sản được quản lý rất chặt, thí dụ như ở Úc khi hành nghề môi giới thì bắt buộc phải là luật sư và có kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề, vì môi giới không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của người mua mà cả của người bán. Các thủ tục mua bán bất động sản phải thông qua kênh này để đảm bảo lợi ích của người mua và cả người bán, vì họ không ăn hai đầu mà thu nhập của họ dựa trên cơ sở tỷ lệ phần trăm giá trị công trình bán được.
Mặc dù môi giới BĐS hiện nay diễn ra phổ biến, nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Khi thị trường bất động sản nóng thì ở các làng xóm người ta lập ra sàn môi giới BĐS rồi hành theo kiểu chỉ trỏ. Do kinh nghiệm giao dịch BĐS của ta chưa nhiều nên chủ yếu dựa vào môi giới, nhưng không phải ai tham gia kinh doanh BĐS dựa vào môi giới cũng thành công. Rủi ro trong mua bán BĐS không nhiều nhưng nếu xảy ra thì thiệt hại cho người mua và bán rất lớn”, Bộ trưởng Dũng nhận định.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, rất cần thiết phải cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Khi đã cấp chứng chỉ hành nghề, họ sẽ thay nhà nước làm để đảm bảo khách quan, công bằng, cũng như đảm bảo lợi ích của khách hàng và người kinh doanh BĐS, qua đó sẽ loại bỏ những ai không đủ khả năng hành nghề.
“Liên quan đến trình độ của người môi giới, ở các nước đều đưa ra những yêu cầu rất rõ ràng. Còn ở nước ta thì người hành nghề môi giới phải có trình độ đại học, chứ không phải chỉ là trung cấp, bởi hiện nay chúng ta đang phổ cập đại học, thậm chí trên đại học cũng rất đông. Muốn phát huy được hiệu quả thì người làm nghề môi giới phải là người có trình độ, có phẩm chất đạo đức trong kinh doanh. Nếu làm sai thì họ phải chịu trách nhiệm”, ông Dũng nêu quan điểm.
Đồng tình với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng quy định cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS là rất cần thiết để góp phần minh bạch thông tin.
“Trước đây, tôi có lái xe đột nhiên mở ra trung tâm môi giới BĐS. Tiền và kiến thức kinh doanh đều không có, không hiểu là làm gì?”, ông Giàu nêu thí dụ.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – ông Phan Trung Lý cũng đồng tình chủ trương trên và cho rằng, lĩnh vực môi giới BĐS cần quản lý chặt chẽ hơn, bởi trên thực tế lực lượng “cò” đất nhiều, nhưng môi giới đúng nghĩa lại ít.
Ông Lý nhấn mạnh: “Luật kinh doanh BĐS sửa đổi lần này phải quy định điều kiện để hành nghề môi giới: Ai sát hạch? Trình độ ra sao? Nếu quy định phải có bằng trung cấp trở lên thì là trung cấp gì mới được hành nghề? Không phải cứ có bằng trung cấp là được hành nghề môi giới”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024