Bộ trưởng Y tế: “Hãy chụp ảnh bác sỹ nhận phong bì gửi tôi”
Tiếp tục phần chất vấn dang dở từ chiều qua, hôm nay, Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tập trung trả lời các câu hỏi về vấn đề y đức, tai biến sản khoa diễn biến phức tạp thời gian qua…
Phong bì “bôi trơn” có ở mọi ngành nghề
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) lập luận, khi trình bày ba nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng nhận thức về đạo đức nghề nghiệp yếu kém của cán bộ y tế, Bộ trưởng Y tế lý giải chủ yếu do yếu tố khách quan, do xã hội mà không đề cập thực trạng yếu kém trong công tác đào tạo đạo đức với một nghề mang tính đặc thù như ngành y.
“Đối với y, bác sỹ, làm việc vì sinh mạng của con người, dù làm ngày hay đêm cũng phải trách nhiệm, dốc hết sức mình” – đại biểu nhấm mạnh yêu cầu đào tạo đặc thù để nâng cao y đức với đội ngũ cán bộ y tế.
Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Y tế cho biết giải pháp thế nào để giải quyết tình trạng, để người dân yên tâm điều trị mỗi khi vào viện.
Đại biểu Trương Minh Hoàng: "Bộ trưởng mới chỉ nhìn nhận nguyên nhân y đức kém do khách quan".
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến xác nhận, y đức đòi hỏi cao hơn đạo đức nghề nghiệp của nhiều ngành khác vì liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Vấn đề y đức được nhiều đại biểu, cử tri quan tâm, bà Tiến khẳng định, ngành y tế cũng rất quan tâm và đang tìm giải pháp.
Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận thực tế, thái độ tiếp xúc với người bệnh không thân thiện, thậm chí có lúc cáu gắt quát mắng bệnh nhân và người nhà. Bà Tiến biện minh, đây là thói quen từ thời kỳ bao cấp.
Biểu hiện sa sút y đức thứ hai, theo bà Tiến là “thói quen” nhận phong bì. Nữ bộ trưởng cho rằng, vấn đề nhận phong bì để bôi trơn có ở ở mọi ngành nghề, trở thành thói quen của cả xã hội. “Tôi có tiếp xúc cử tri, nhận phản ánh, nếu không đưa phong bì thì bác sỹ không nhiệt tình. Tôi cũng nhận thấy các trường hợp xếp hàng khám bệnh, khi người nhà bệnh nhân đưa phong bì 50.000 đồng thì được khám trước” – bà Tiến kể.
Biểu hiện vi phạm y đức thứ 3 là việc thầy thuốc nhận tiền của các hãng dược. Yếu kém chuyên môn của cán bộ y tế, theo bà Tiến cũng là một vấn đề.
Nữ Bộ trưởng nhấn mạnh nguyên nhân trực tiếp là văn hóa và nhân cách: “Bệnh nhân đau đớn như vậy mà nhận tiền trước khi điều trị là có vấn đề”. Người đứng đầu ngành y tế lưu ý phân biệt việc sau khi chữa bệnh xong, bệnh nhân khỏi bệnh người nhà đến đưa phong bì cảm ơn. Bà Tiến nhận xét đây là việc bình thường vì công sức lao động bác sỹ làm việc căng thẳng, thâu đêm suốt sáng để cứu chữa bệnh nhân, là việc làm cần trân trọng.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) dẫn lời một bác sỹ Trưởng khoa của một bệnh viện lớn ở Hà Nội chia sẻ, bản thân ông là người trong ngành cũng bức xúc khi nhìn cảnh bệnh nhân ăn cơm từ thiện của nhà chùa còn tiền thì để đưa cho bác sỹ. Đại biểu khẳng định đó là thực trạng đau lòng.
“Bộ trưởng cứ hô hào chống tiêu cực, nói không với phong bì nhưng hết khóa Bộ trưởng này đến khóa Bộ trưởng khác chúng tôi thấy tình trạng này không giảm” – ông Cương bức xúc.
“Tôi không phải là người phát động phong trào nói không với phong bì. Thời điểm đó tôi đang đi công tác nước ngoài, về thì thấy công đoàn ngành y tế Việt Nam phát động. Chúng tôi ủng hộ ngay dù việc này nói lên thực trạng đau lòng nhưng cần phải nói để cho người dân được biết” – bà Tiến bộc bạch.
Tuy nhiên, bà Tiến cũng xác nhận, lương quá thấp cũng là một nguyên nhân của vấn nạn nhận phong bì. Nữ Bộ trưởng kể, bệnh viên Bạch Mai và Việt Pháp chỉ cách nhau một bức tường nhưng là 2 môi trường khác biệt, dẫn đến những biểu hiện hoàn toàn khác nhau. Trong khi cán bộ y tế, bác sỹ bệnh viện Việt Pháp không nhận phong bì, không cần nhận phong bì vẫn sống tốt. Còn bệnh viện Bạch Mai lại phải phát động phong trào không nhận phong bì.
Giải pháp lâu dài giải quyết vấn đề phong bì “mua đứt” y đức, Bộ trưởng Y tế cho rằng cần sự ủng hộ của cử tri của cả nước. Nữ Bộ trưởng kêu gọi người dân, cử tri nói chung dứt khoát không đưa phong bì.
“Nếu phát hiện bác sĩ nào nhận phong bì hãy chụp ảnh, ghi lại tên tuổi đưa cho chúng tôi xử lý. Y đức là vấn đề văn hóa, là danh dự của ngành y, của hình cảnh người thầy thuốc đồng thời là trách nhiệm với người dân. Năm 2013 chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa vấn đề y đức” – bà Tiến đưa thông điệp mạnh mẽ.
Tai biến sản khoa chỉ đứng thứ 4 ở Đông Nam Á
Ngoài việc đề cập hiện tượng cán bộ y, bác sỹ có tinh thần thái độ phục vụ chưa tốt, trách nhiệm với người bệnh chưa cao, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) cũng bày tỏ băn khoăn về những người trong ngành trình độ chuyên môn còn hạn chế dẫn đến những sai sót không đáng có.
Ông Thủy dẫn chứng vụ bệnh nhân bị thận móng ngựa nhưng khi tiến hành phẫu thuật các bác sỹ nhầm, cắt hết 2 quả thận của bệnh nhân. Gần đây nhất, ở Khánh Hòa, một cháu bé mới 21 tháng tuổi vào viện để mổ thoát vị bẹn nhưng bác sĩ lại cắt nhầm bàng quang, rồi tình trạng xét nghiệm sai, siêu âm nhầm…
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận sự thật đau lòng là thời gian qua có nhiều trường hợp sản phụ tử vong. Trước diễn biến này, ngành y tế đã họp rất nhiều và nhận thấy, nguyên nhân số ca tai biến sản khoa nhiều hơn những năm trước là do số lượng sinh năm nay nhiều hơn các năm 15% dẫn đến quá tải nhiều cơ sở y tế. Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số tuyến còn yếu kém.
Thống kê đến thời điểm này, những vụ tai nạn trực tiếp do vỡ tử cung, bà Tiến thừa nhận, có phần sai sót chuyên môn của cán bộ y tế. Năng lực cán bộ hạn chế dẫn đến nhiều sai sót. Bộ trưởng khẳng định, những sai sót dù do lý do khách quan hay chủ quan, cơ quan chức năng đều chỉ đạo các Sở Y tế xử lý từng vụ việc cụ thể. Có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân gây tử vong nhưng gia đình sản phụ không chấp nhận giám định pháp y, Bộ vẫn lập hội đồng để xử lý.
Tuy nhiên, bà Tiến cũng “vớt vát”, tỷ lệ tai biến sản khoa ở Việt Nam chỉ đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, dù vẫn cao hơn nhiều ở khu vực khác.
Để khắc phục vấn đề này, theo bà Tiến phải tăng cường bác sỹ sản khoa. Thông tin đáng mừng là từ năm 2013, số bác sỹ sản ra trường sẽ tăng gấp đôi. Ngoài ra, bà Tiến cũng trình bày kế hoạch tách khoa sản nhi, tăng cường các trang thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả điều trị.
Bà Tiến cũng tranh thủ diễn đàn, đề xuất Bộ GD-ĐT duyệt chương trình đào tạo bác sỹ Nhi khoa thành chuyên ngành riêng, không chỉ quy về ngành học đa khoa.
Vấn đề phòng khám đông y Trung Quốc, Bộ trưởng Y tế quả quyết quy định của ngành, của các bộ liên quan như Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH về chứng chỉ, điều kiện hành nghề, cấp phép chặt chẽ. Tuy nhiên, các phòng khám vì lợi nhuận nên làm không đúng pháp luật nhưng lượng thanh tra ngành y tế hiện quá mỏng, mức xử phạt không tương xứng nên hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao. Điểm “mắc” khác là thỏa thuận công nhận bằng cấp tương đương giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Trung Quốc, chỉ cần học 4 năm, dù ở chuyên ngành nào nhưng có thêm 1 năm thực hành ở bệnh viện thì được công nhận là bác sỹ y học cổ truyền. Rất khó kiểm soát chất lượng trong trường hợp này. |
Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc