Bỏ túi 50 triệu đồng/tháng nhờ nuôi thỏ New Zealand
Được vài người bạn mách nước rằng, thỏ Newzealand là một giống thỏ có nhiều ưu điểm hơn so với các giống thỏ thông thường khác như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, hấp dẫn, ông Nam đã lặn lội tới các trang trại nuôi thỏ New Zealand ở các tỉnh khác để tìm mua giống về với hy vọng thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Ngày đầu ông Nam mới nuôi thỏ là từ tháng 8/2015, thời điểm đó còn gặp rất nhiều khó khăn vì đây là lĩnh vực còn quá mới với ông. Mặt khác, ở Việt Nam thỏ New Zealand còn chưa phổ biến. Thỏ nuôi mãi không lớn do thức ăn chưa phù hợp. Lông thỏ không được óng mượt nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các công ty thu mua nước ngoài. Bên cạnh đó, việc xử lý phân thỏ chưa tốt nên khu vực nuôi rất nhiều mùi hôi thối ảnh hưởng tới cảnh quan và đời sống của cư dân xung quanh.
Để khắc phục tình trạng đó, hai vợ chồng ông Nam đã phải mày mò tìm hiểu các sách kỹ thuật nuôi thỏ từ cải tiến cách nuôi, xử lý mùi và tận dụng phân thỏ.
Sau một thời gian đã có kinh nghiệm và tích lũy được vốn, ông Nam đã quyết định tự thiết kế, đầu tư chuồng trại nuôi thỏ quy mô lớn hơn. Vốn đầu tư ban đầu phải bỏ ra cho chuồng trại, con giống cũng khá lớn, khoảng 800 triệu đồng.
Khi chuồng trại và chất lượng thỏ đã đủ tiêu chuẩn, ông mời công ty của Nhật về khảo sát và ký hợp đồng thu mua hết sản phẩm trong vòng 30 năm. Như vậy khâu khó nhất là đầu ra đã giải quyết được và ông Nam dự tính chỉ mất hơn 1 năm là có thể thu hồi vốn.
Trung bình 1 tháng, ông Nam xuất đi 400 con thỏ, mỗi con đều nặng 2,3 kg với giá 90.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí đi, bắt đầu từ tháng thứ 3 mô hình nuôi thỏ của ông Nam sẽ đem lại 50 triệu đồng tiền lãi.
Do phải xuất hàng liên tục hàng tháng nên ông Nam có rất nhiều đàn thỏ để nuôi gối liên tục. Do đó, cứ đều đặn, sau 1 tháng lứa này xuất thì lứa gối tiếp theo đã đủ cân để xuất chuồng.
Ông Nam cho biết, vì là công ty Nhật Bản bao tiêu sản phẩm nên các quy định về thỏ cũng rất nhiều, cân nặng phải đủ 2,3 kg mới được xuất. Nếu thỏ nặng hơn thì người nuôi thỏ sẽ phải chịu thiệt. Lông thỏ lúc nào cũng phải bóng đẹp, lông xấu người ta không lấy thì phải bán ra ngoài cho các nhà hàng. Khách hàng Nhật yêu cầu rất kĩ về lông thỏ, do bộ lông này được dùng để làm các sản phẩm thời trang.
Rất nhiều người đã đến đây để hỏi thăm về mô hình và kỹ thuật nuôi thỏ đều được ông Nam hướng dẫn cụ thể. Từ việc mua giống New Zealand với giá 300.000 đồng/con, mua ở đâu, cho đến cách nhân giống ra sao để sau một thời gian không phải mua thỏ giống, đều được ông Nam nhiệt tình hướng dẫn.
Để đảm bảo chất lượng thịt, thỏ ở đây chủ yếu ăn cám công nghiệp, loại cám nhiều chất xơ để thỏ không quá nhiều mỡ. Nhưng ngoài ra, vẫn phải cho thỏ ăn thêm rau xen bữa bảo đảm đủ dinh dưỡng.
Bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Nam không ngần ngại chia sẻ, gia đình chủ yếu chỉ bán cho công ty của Nhật, ngoài ra nếu thỏ bị lỗi về lông thì đã có một số nhà hàng bao tiêu hết. Chi phí để nuôi 1 con thỏ tới lúc xuất chuồng rơi vào khoảng 100.000 đồng/con. Ngoài ra, mình còn thiết kế hệ thống gom phân thỏ phía dưới để tận dụng phân thỏ rơi. Phân thỏ theo đường thoát sẽ xuống hố bioga để tận dụng làm chất đốt.
Chị Thu Phương, chủ một nhà hàng ăn ở Tiên Du thường hay nhập thỏ của nhà anh Nam cho biết, nhiều khách hàng đã chán với các món ăn truyền thống nên nhà hàng đã bổ sung thêm thực đơn thỏ và bán khá tốt. Thịt thỏ mềm, có vị ngọt, thơm, lại cực kỳ dễ chế biến, hàm lượng protein trong thịt thỏ cao hơn các loại thịt khác.
Thời gian đầu mới bán nên chỉ nhập lẻ thỏ với giá 100.000 đồng/kg, hiện giờ đã đặt buôn theo tháng, nhưng cũng vướng 1 điều là thỏ lỗi không có nhiều nên khách muốn ăn thỏ ngon, đảm bảo chất lượng thì phải chờ, chị Phương cho biết.
Anh Nguyễn Phụng Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Chi cho biết, mô hình nuôi thỏ New Zealand của ông Nam ở thôn Văn Trung đem lại hiệu quả kinh tế rất cao và đã có công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm, sản phẩm ra đến đâu là hết đến đấy. Đây là một mô hình nông nghiệp làm kinh tế điển hình của xã cần nhân rộng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo