Bộ Y tế “ép” bệnh viện tự giảm tải
Quá tải: Thực và ảo!
Tại Hội nghị Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh năm 2012 diễn ra sáng 15/3 tại Hà Nội, các báo cáo của các bệnh viện thì hầu như viện nào cũng kêu quá tải.
Công suất sử dụng giường bệnh nói chung giảm không đáng kể, chỉ được 7% (từ 118% xuống 111%) trong giai đoạn 2008-2010 trong khi công suất sử dụng giường bệnh của tuyến TƯ lại tăng thêm 4% (116% lên 120%) trong 2009-2010 và đặc biệt trầm trọng ở các bệnh viện K (172%), Bệnh viện Bạch Mai (168%), bệnh viện Chợ Rẫy (139%), Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi (130%)… Theo Bộ Y tế, tình trặng quá tải này là chưa từng thấy ở những nước trong khu vực và thậm chí trên thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, quá tải cũng có 2 loại “ảo” và “thực”. Trong đó, quá tải “ảo” rõ nhất đó là tình trạng người dân bệnh nhẹ cũng “thích” lên tuyến TƯ khám và quá tải “thực” là những chuyên khoa ung bướu, tim mạch.
Giảm quá tải bằng được
Đó là quyết tâm của Bộ Y tế khi đang soạn dự thảo Đề án giảm tải để trình Chính phủ tới đây.
TS Tiến cũng tiết lộ, đề án giảm tải bệnh viện mà Bộ Y tế sắp trình Chính phủ là một biện pháp hài hòa tổng thể và sẽ do Chính phủ là trưởng ban chỉ đạo, còn Bộ y tế chỉ là thành viên thường trực thực hiện về chuyên môn kỹ thuật.
Trong đề án cũng nêu rõ sự phân tuyến kỹ thuật, quy định chuyển tuyến và các định mức thanh toán rất rõ ràng. Theo đó quy định rất nghiêm ngặt với hệ thống bệnh viện vệ tinh. Ví như bệnh viện Trung ương có hệ thống vệ tinh, nếu như bệnh viện dưới chuyển lên những ca bệnh mà bệnh viện vệ tinh hoàn toàn đảm đương được thì họ sẽ phải có trách nhiệm và có biện pháp xử lý trong vấn đề hành chính chuyên môn. Với ca bệnh đó mà bệnh viện tuyến trên nhận cũng phải chịu trách nhiệm.
“Phải sửa đổi luật, quy định rõ như vậy và phải tuyên truyền để người dân không tự ý vượt tuyến. Như ở nước ngoài, người bệnh không thể tự ý vượt tuyến trừ trường hợp cấp cứu. Mình cũng phải sửa luật để người dân không tự vượt tuyến để giảm tải quá tải ảo”, TS Tiến nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế kỳ vọng đề án mới... sẽ giải được bài toán quá tải. Ảnh: H.Hải
Trước khi đề án được trình, Bộ Y tế cũng đã “ép” các viện phải tự giảm tải. Cụ thể, bệnh viện K Trung ương trước tháng 6 sẽ phải chuyển 300 giường bệnh ra cơ sở 3 tại Tân Triều để giảm tải cho cơ sở 1 ở Hoàn Kiếm. Còn Viện Tim mạch (BV Bạch Mai) và Trung tâm ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng phải sửa sang lại để mỗi nơi có thể kê thêm được 50 giường bệnh. Thời hạn để các viện này hoàn thành công việc được giao đến hết tháng 5/2012.
“Đó là những nơi quá tải thực sự. Nhu cầu người bệnh thì tăng lên do với căn bệnh đó, tình trạng bệnh đó thì ở cơ sở đó là tuyến điều trị cuối cùng nhưng bao năm nay số giường bệnh vẫn giữ nguyên. Trước có 100 người bệnh nặng dứt khoát phải nằm ở đó, nay lên đến 500 người bệnh cũng phải nằm ở đó… chẳng có cách nào khác giảm tải nếu không tăng số giường bệnh”, TS Tiến nói.
Chia sẻ về kỳ vọng giảm tải, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho rằng: “Việc giảm tải chắc chắn sẽ làm được nhưng nhà nước phải cho điều kiện đủ là cơ chế chính sách để phát triển nguồn nhân lực, tăng đầu tư thì giảm tải mới hiệu quả”.
Theo Dân trí
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng