Bốn thế hệ “cưỡi sóng Hoàng Sa”
Hơn 40 năm cưỡi sóng Hoàng Sa, lão ngư Trương Văn Trọng thuộc làu từng luồng cá, từng dòng hải lưu ở vùng biển này. Giờ đây, tuổi cao, không đi biển được nữa, nhưng ông Trọng vẫn rất đỗi tự hào khi 9 người con, cả trai lẫn gái, thay cha tiếp tục ra với Hoàng Sa.
Trong ngôi nhà khang trang ở con hẻm nhỏ phường Xuân Hà (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), lão ngư Trương Văn Trọng dù đã ở tuổi 83, nhưng cơ thể vẫn chắc nịch, bước chân vững chãi, giọng nói hào sảng: “Già rồi, ở nhà nhưng nhớ Hoàng Sa lắm chú ơi. Hơn 40 năm lấy biển Hoàng Sa làm nhà, giờ nghỉ hưu ngồi nhà giúp mấy đứa con đan sửa lại cái lưới, vừa vui vừa đỡ nhớ Hoàng Sa”.
Giàu có nhờ Hoàng Sa
Năm 16 tuổi, ông Trọng theo cha và ông nội trên chiếc thuyền nhỏ ra tận Hoàng Sa đánh bắt hải sản. “Hồi đó, tàu của ông nội tôi nhỏ hơn tàu thuyền bây giờ nhiều lắm. Nhưng lúc đấy ông nội và cha tui với biển Hoàng Sa như một vậy.
Đi chuyến nào về, cá đầy ắp chuyến đó. Ngư dân Trung Quốc lúc đó còn nhờ chúng tôi chỉ cho chỗ kiếm miếng cơm. Sướng lắm, 1 năm 10 tháng ăn ngủ với Hoàng Sa. 60 tuổi tôi nghỉ đi biển, để lại cho mấy đứa con 2 chiếc tàu, mong nó tiếp bước tui và ông nội giữ lấy nghề và làm giàu hơn nữa với Hoàng Sa” - ông Trọng tâm sự.
Vừa trở về sau chuyến biển Hoàng Sa gần nửa tháng, anh Trương Văn Kinh - con trai thứ 8 của ông Trọng nói: “Nghe lời cha, cả 9 anh em tụi tôi (8 trai và 1 gái) đều có bằng thuyền trưởng đánh bắt ở Hoàng Sa”. Anh Kinh là chủ tàu Đna 90402. Anh chia sẻ: “Ông nội và chú tui đều mất trong trận sóng dữ của Hoàng Sa. Năm tui 14 tuổi, cha bắt tui theo ra biển. Ngày đó chỉ cần tàu nổ máy, lắc lư chút xíu là tui nôn mửa. Đi miết rồi quen, nhờ cha truyền thụ cho kinh nghiệm đi biển Hoàng Sa nên tui nuôi được 2 đứa con người anh ăn học đàng hoàng. Đầu năm nay, biển êm, tui đi 3 chuyến rồi, trừ tổn phí cũng được gần 100 triệu đồng”.
Một năm 10 tháng “hồn treo cột buồm”
Hiện gia đình ông Trọng có 6 chiếc tàu đều tham gia đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. “Để có được thành quả này biết bao nhiêu là công sức và mất mát của 3 đời nhà tui đó anh ơi. Ông nội, chú rồi em trai tui Trương Văn Tình đều mất trên biển Hoàng Sa” - anh Trương Văn Hay, con trai thứ 5 của ông Trọng và là chủ tàu Đna 90235 (725CV), cho biết.
Anh Hay bảo: Biển Hoàng Sa đúng là vựa cá của Biển Đông nhưng để lấy được lộc biển từ đây không phải dễ. Ở vùng biển này rất hay gặp tàu lạ, chủ yếu là tàu Trung Quốc. Tàu của họ to, máy rất khỏe nên ngư trường của chúng tôi bị thu hẹp lại. Có lúc gặp cả tàu quân sự lại gần dùng loa xua đuổi đi nơi khác. Nhưng chúng tôi không có sợ. Vùng biển của mình mình cứ đánh bắt. Lúc đó chỉ cần gọi bộ đàm báo tàu của mấy anh chị em tui chạy lại cùng tiếp ứng. Lúc đó tàu nước ngoài thấy tàu mình đông là quay đầu chạy...
“Mấy đứa con tui nó chẳng sợ gì hết. Một năm 10 tháng “hồn treo cột buồm” với Hoàng Sa nên quen rồi. Chỉ sợ tàu chúng nó về đầy cá mà giá hải sản trong bờ giảm thôi” - ông Trọng nói.
Tiếp lời cha, anh Hay giãi bày: “Các tàu đánh bắt ở Hoàng Sa chủ yếu là mực xà và cá ngừ. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mấy năm trước, giá mực xà từ 120.000-160.000 đồng/kg. Giá cao, gia đình chúng tôi cùng với các ngư dân khác vay mượn tiền mua sắm ngư cụ, cải hoán và đóng mới tàu công suất lớn để chuyển sang nghề này. Nhưng gần đây giá mực xà cũng như các loại hải sản khác tụt dốc không phanh, tui đã phải bán đi 2 miếng đất và 2 chiếc tàu nhỏ để trả nợ nhưng vẫn giữ lại chiếc tàu lớn nhất để bám biển Hoàng Sa - nơi đây là cả tâm nguyện của ông nội của cha tui, không bỏ được. Nói thật, nếu không yêu Hoàng Sa thì với mấy tỷ bạc bán đất, tui lên bờ sống khỏe lắm. Nhưng cũng như hàng ngàn ngư dân ở đây, chẳng ai muốn bỏ biển...”.
Chị Trương Thị Hiền - con gái thứ 6 của ông Trọng, chồng đã mất, nhưng vẫn quyết thay chồng bám biển Hoàng Sa. “Ngày trước, tui ở nhà lo cho 4 đứa con và chờ chồng đi biển về làm sổ sách thôi. Khi anh ấy mất, ai cũng khuyên bán tàu đi, rồi lấy tiền chuyển nghề khác cho đỡ cực. Nhưng cha tui cùng các anh động viên, cứ thuê người làm. Ra biển có mấy anh em trong nhà đỡ giùm với khuyên đừng bán tàu, nghe vậy tui giữ lại tàu. Mấy năm rồi, có chuyến lỗ chuyến lời, nhưng tui vẫn thấy vui”- chị Hiền tâm sự.
Nói về gia đình lão ngư Trương Văn Trọng, anh Nguyễn Quang Hậu-Chủ tịch Hội ND phường Xuân Hà tâm đắc: “Nhiều năm bám biển Hoàng Sa, ông Trọng đã gặp nhiều rủi ro mất mát, nhưng ông vẫn động viên con cháu dâu rể trong gia đình quyết làm giàu với Hoàng Sa”.
Dân Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo