Tin tức - Sự kiện

Bóng đen cúm gia cầm đang phủ rộng trên cả nước

Cùng với dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang có nguy cơ lan rộng trong nước, dịch cúm A/H7N9 ngoài biên giới cũng đang diễn biến hết sức phức tạp có thể tràn vào nước ta. Trong khi đó, người dân vẫn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh nên dịch cúm gia cầm có thể sẽ bùng phát mạnh.

Bất chấp cảnh báo nguy cơ bùng phát cúm gia cầm, nhiều nơi vẫn diễn ra cảnh mua bán gia cầm gần như công khai

Mua bán, giết mổ gia cầm vẫn tràn lan

 
Tại địa bàn giáp ranh giữa TP.HCM và thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), hằng ngày, nhất là vào lúc tan tầm và cuối tuần, người mua kẻ bán gia cầm sống vẫn tấp nập. Tại ranh giới phường Linh Tây, Quận Thủ Đức (TP.HCM), trên đường Đào Trinh Nhất giáp với đường Bình Đường 2, phường An Bình, Dĩ An (Bình Dương) rất nhiều người bày bán và giết mổ gia cầm. Người mua kẻ bán vây quanh những thúng đầy ắp gà, vịt được bày bán tràn lan trên đường. Thậm chí họ còn giết mổ tại chỗ làm máu, lông và nước thải vương vãi gây hôi tanh, ô nhiễm môi trường và nguy cơ bùng phát dịch bệnh là điều khó tránh khỏi.
 
Nhiều điểm bán gia cầm khác trên đường Bình Đường 3, phường An Bình, Dĩ An (Bình Dương) giáp ranh với phường Tam Phú , Thủ Đức (TP.HCM) cảnh mua bán cũng diễn ra tương tự. Theo người dân, việc mua bán như vậy vẫn diễn ra hằng ngày và tồn tại đã lâu. Một người dân cho biết: “Những người bán gia cầm đóng quân tại nơi này do đây là địa bàn giáp ranh. Khi bên này kiểm tra họ bỏ chạy qua bên kia và ngược lại; họ ngang nhiên mua bán, bất chấp dịch bệnh luôn đe dọa  bùng phát trong khu dân cư”.
 
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, không chỉ khu vực giáp ranh, mà ngay trong TP, nhiều nơi vẫn diễn ra cảnh mua bán gia cầm gần như công khai. Nổi cộm là địa bàn Hóc Môn, quận 8, quận Bình Chánh, khu vực ven kênh Vĩnh Lộc.
 
Theo thống kê của Chi cục Thú y TP.HCM, hiện TP.HCM vẫn tồn tại 36 điểm kinh doanh gia cầm trái phép tại 11 quận, huyện. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý triệt để; một bộ phận người dân vẫn thờ ơ, không cảnh giác trước thông tin dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát và gây tử vong cho người.
 
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng, Chi cục Thú y TP.HCM, thói quen thích ăn gà ta, gà thả vườn của dân ta là một trong các lý do khiến tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm trái phép ngày càng nhiều.
 
Chống dịch như chống giặc
 
Thông báo mới nhất từ Cục Thú y Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho hay dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 9 tỉnh gồm: Lào Cai, Quảng Ngãi, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An và Đắk Lắk.
 
Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dạng chăn nuôi nhỏ lẻ.
 
Vừa rồi, ở Đồng Tháp, một phụ nữ 60 tuổi cũng đã tử vong sau khi mổ vịt chết. Trường hợp tử vong trước đó là một nam giới, 52 tuổi, trú tại Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ở Khánh Hòa cũng đã có 1 người chết vì cúm A/H1N1; còn cúm A/H5N1 giết hàng chục ngàn con gia cầm ở miền Trung.
 
Trước tình trạng liên tiếp xuất hiện dịch cúm trên gia cầm ở các tỉnh, phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho rằng, với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ và giết mổ không hợp vệ sinh như ở Việt Nam, thông thường khi có dịch trên gia cầm thì dễ xuất hiện bệnh cúm trên người.
 
Theo ông Dương, giám sát bệnh cúm tháng 1/2014 cho thấy chủng cúm H3N2 chiếm ưu thế, với gần 50% bệnh nhân cúm trên toàn quốc là mắc chủng cúm B, nhưng trong tuần vừa qua thì cúm A/H1N1 chủng đại dịch (xuất hiện lần đầu năm 2009) đang xuất hiện mạnh mẽ, điều này khá giống với biểu hiện đầu 2013 khi cúm A/H1N1 xuất hiện khá dày đặc, có lúc chiếm đến 70% bệnh nhân cúm và gây khá nhiều ca tử vong.
 
Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virut cúm gia cầm lây sang người. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sởi tại 4 điểm cầu.
 
Công điện nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virut cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía Bắc triển khai thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virut A/H7N9 và các chủng virut cúm gia cầm khác vào Việt Nam.
 
Thủ tướng cũng yêu cầu cơ quan chức năng phải tăng cường lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện virut cúm A/H7N9 và các chủng virut khác trên gia cầm nhập lậu, tại các chợ buôn bán gia cầm sống nhằm phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời. Những trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm.
 
Liên quan đến dịch cúm gia cầm, Cục Y tế dự phòng cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo đối với khách du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A/H7N9 không nên đi đến khu vực giết mổ gia cầm; tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm; thường xuyên rửa tay với xà phòng, tuân thủ ATTP và thực hành vệ sinh tốt. Đối với người có biểu hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm, cần nghĩ nguyên nhân do cúm A/H7N9 và phải được khám, chẩn đoán để xác định...
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo