Đã gần hết tháng 7 nhưng vẫn rất ít ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp ngành khác niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đều đã công bố báo cáo tài chính cụ thể.
Những năm gần đây ngành ngân hàng có tình trạng trù trừ như vậy. Nửa đầu năm nay có lẽ là mùa báo lãi nhợt nhạt nhất trong nhiều năm qua. Khi không còn hào nhoáng bởi những mức lãi khủng hay gần như tất cả đều lãi lớn như trước, mà bóng đen nợ xấu ám ảnh và kết quả kinh doanh kém đi thì ngại công bố tình hình hoạt động của mình cũng là dễ hiểu.
Tính đến thời điểm này, những ngân hàng đã có thông tin kết quả cơ bản trong 6 tháng 2014, gồm: TPBank, Sacombank, Vietcombank, VIB, Vietinbank, NamABank, NCB và Kienlong Bank. Bước đầu ở nhóm này là tương đối khả quan, nhưng chừng đó chưa đủ để phản ánh cho bức tranh chung, trong khi ám ảnh nợ xấu lại là dấu hiệu để nhận biết tình hình mùa báo cáo đang đến.
Là thành viên đầu tiên công bố, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đang nỗ lực để lại sau lưng những khó khăn của giai đoạn buộc phải tự tái cơ cấu hơn một năm về trước. Là ngân hàng trẻ nhất trong hệ thống, mạng lưới còn hạn chế, nên con số 263 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế có được nửa đầu năm nay là khá ấn tượng, tương ứng với 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tăng trưởng tín dụng của TPBank 6 tháng đầu năm đạt 8,8%, tỷ lệ nợ xấu từ 1,96% đầu năm xuống còn 1,66%.
Là thành viên lớn trong khối cổ phần, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tiếp tục cho thấy sự ổn định trong hoạt động. 6 tháng đầu năm nay ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 1.531 tỷ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch năm; tăng trưởng tín dụng khá cao với 10,3%.
Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), đầu tàu lợi nhuận của hệ thống những năm gần đây, cũng vừa có thông tin kết quả kinh doanh cơ bản nửa đầu năm: tổng tài sản tăng 3,5%; nguồn vốn tăng 4% và dư nợ tín dụng tăng trưởng 3%; lợi nhuận trước thuế đạt 56% kế hoạch đại hội đồng cổ đông 2014 đề ra, tương ứng với khoảng 4.000 tỷ đồng; nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục có tăng trưởng về lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm ngoái, khi đạt 2.778 tỷ đồng. Kết quả này nhờ tín dụng tăng trưởng ở mức khá trong ngành với 6,63%. Tuy nhiên, nợ xấu của Vietcombank đến 30/6/2014 ước tính đã chính thức vượt mốc 3% (khoảng 3,06%).
Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cũng có thông tin về kết quả 6 tháng khá sớm. Lợi nhuận trước dự phòng đạt 598 tỷ đồng, tăng 26% (quy đổi theo năm) so với năm 2013. Nhưng VIB tiếp tục trích lập dự phòng ở mức cao, ở mức 447 tỷ đồng cho 6 tháng đầu năm nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 151 tỷ đồng (con số này chưa bao gồm hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận do đánh giá lại danh mục trái phiếu Chính phủ).
Tại hội nghị sơ kết tuần qua, Ngân hàng Nam Á (NamABank) cho biết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay “đạt được có phần khả quan”. Theo đó, tổng tài sản đạt 33.733 tỷ đồng, tăng 17,15% so với đầu năm; tổng huy động từ tổ chức kinh tế, dân cư đạt 15.383 tỷ đồng, tăng 12,2% đạt 85,46% kế hoạch năm; dư nợ cho vay đạt 13.719 tỷ đồng. tăng 18,57%. Tuy nhiên, NamABank chưa tiết lộ lợi nhuận và nợ xấu cụ thể.
Trong khối ngân hàng nhỏ, Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) vẫn khẳng định là một trong những thành viên hiệu quả và ổn định nhất (trên cơ sở số liệu họ công bố). Tính đến 30/6/2014, tổng tài sản của Kienlongbank là 21.897 tỷ đồng, đạt 91,84 % kế hoạch năm 2014, tăng 2,46 % so với năm 2013; dư nợ cho vay tăng 7,46%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 211,86 tỷ đồng, đạt 50,56 % kế hoạch năm.
Trong số ít ỏi các thành viên đã công bố nói trên, một số trường hợp như Vietinbank, Sacombank, NamABank chưa có số liệu cụ thể về tỷ lệ nợ xấu. Số còn lại, mặc dù vẫn kiểm soát dưới 3% hoặc chớm trên mức này, nhưng lại cho thấy một sự ảnh hưởng lớn từ rủi ro này. Như tại VIB, lượng trích lập dự phòng rủi ro đã giảm phần lớn lợi nhuận đạt được trong nửa đầu năm nay. Hay tại Vietcombank, 2.400 tỷ đồng dành để trích lập dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm là quy mô lớn…
Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã liên tục tăng trong những tháng đầu năm nay và đã trở lại trên mức 4%. Tương ứng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại nói chung trong nửa đầu năm nay dự tính sẽ tiếp tục tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.
Đó dự báo cũng sẽ là xu hướng khi các nhà băng từng bước thực hiện cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro chặt chẽ hơn, theo tinh thần của Thông tư 09.
Việc trích lập dự phòng quy mô lớn ở một số thành viên nói trên và cũng là xu hướng chung có thể là tính toán chủ động của các ngân hàng, nhằm hạn chế những “cú sốc” khi Thông tư 09 được thực hiện một cách đầy đủ vào đầu năm tới, cùng cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm buộc phải chấm dứt. Hay nói cách khác, bóng đen nợ xấu sẽ vẫn tiếp tục ám ảnh lợi nhuận của họ trong thời gian tới.
VnEconomy