Thị trường

Brexit và những hệ quả khôn lường

(DNVN) - Việc người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, tổ chức ngày 23/6/2016 không chỉ gây ra hậu quả tức thời trên thị trường tài chính toàn cầu mà còn mang lại một viễn cảnh không chắc chắn cho nước Anh hậu Brexit.

Tại Anh, ngày 23/6 đã diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của đất nước trong EU. Theo dữ liệu chính thức, phương án đưa đất nước ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) được phần lớn người Anh ủng hộ (51,9%).

Theo đánh giá của cơ quan Thương vụ Việt Nam, chiến thắng của chiến dịch rời EU ngày lập tức đã gây chấn động cho giới tài chính. Rõ nét nhất đó là việc thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, sự giảm giá mạnh của đồng Bảng và đồng Euro so với USD.

Quyết định rời EU chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng kéo dài tại Anh, đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế. Những biến động được dự báo là dòng vốn đầu tư của công ty nước ngoài sẽ chuyển sang các nước Châu Âu khác (như Đức, Pháp…) nhằm đảm bảo quyền tiếp cận tự do vào thị trường chung Châu Âu.

 Sự ra đi của Anh đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đến Vương quốc Anh mà còn tác động tới kinh tế thế giới nói chung.

Như vậy, ưu tiên đầu tiên của Anh là đàm phán quyền tiếp cận thị trường chung Châu Âu, bởi 50% xuất khẩu của Anh là sang Châu Âu, đồng thời việc này cũng giúp giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên đây là điều rất khó đối với Anh.

Brexit cũng loại trừ quyền của Anh trong tất cả các Hiệp định thương mại tự do của EU với các đối tác. Tại thời điểm đàm phán thương mại diễn ra chủ yếu giữa các khối với nhau, Anh sẽ phải bắt tay đàm phán từ đầu với hàng loạt các quốc gia và các khối, bao gồm cả Mỹ hiện đang đàm phán với EU về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Hơn nữa, không giống khu vực EU với một thị trường lớn có ảnh hưởng về chính trị, Anh có ít quyền thỏa thuận khi đàm phán thương mại với các nước hoặc các khối.

Ngoài ra, Anh có thể mất quyền tiếp cận thị trường chung Châu Âu đối với dịch vụ tài chính hiện đang được khai thác trong EU. Điều này đe dọa vị trí thống thị của Lôn Đôn và khuyến khích công ty dịch vụ tài chính di chuyển sang các nước Châu Âu khác, đặc biệt trong khu vực EU là Frankfurt và Paris.

Với những dự báo đe dọa cho môi trường kinh doanh của Anh, niềm tin doanh nghiệp sẽ bị tổn thương; thất nghiệp tăng, cổ phiếu và bất động sản mất giá làm giảm lòng tin người tiêu dùng; lạm phát tăng trong khi đồng Bảng mất giá làm giảm thu nhập thực tế của người dân, giảm nhu cầu trong nước và ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của Anh.

Tác động tới phần còn lại của thế giới

 

Theo cơ quan Thương vụ, sự ra đi của Anh đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đến Vương quốc Anh mà còn tác động tới kinh tế thế giới nói chung.

Hiện nay, Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới (chiếm 4% GDP toàn cầu) và lớn thứ 2 trong EU (chiếm 18% GDP của EU). Thương mại của Anh cũng đứng thứ 5 trên thế giới (chiếm 3% tổng giá trị thương mại toàn cầu) và đứng thứ 2 trong EU (chiếm 10% tổng giá trị thương mại của EU).

Những thỏa thuận còn chưa rõ mà Anh sẽ tiến hành để rời EU dự báo gây ra những biến động trên thị trường tài chính. Điều này tạo sức ép đối với đồng Bảng, đồng Euro gây ra sự bất ổn tiền tệ toàn cầu, đặc biệt là ở Châu Âu. Do đó, các nhà hoạch định chính sách, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ có kế hoạch dự phòng để đối phó với biến động của thị trường tài chính. 

Đối với EU, sự ra đi của Anh, một trung tâm tài chính hàng đầu và là một trong số ít các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh ở EU, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của EU. Ở cấp độ Liên minh, EU sẽ thiếu vắng một người ủng hộ quan trọng đối với tự do hóa thương mại, dịch vụ. Ở cấp độ quốc gia, các nước có liên kết tài chính, thương mại, đầu tư với Anh là Ireland, Hà Lan sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nghiêm trọng hơn, sự ra đi của Anh có thể dẫn đến một hiệu ứng domino, đe dọa toàn EU khi thúc đẩy một số quốc gia thành viên khác, đặc biệt là Ý, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tương tự. Thậm chí nếu không có bất kỳ quốc gia nào khác chọn ra đi nhưng nó sẽ dấy lên quan điểm chống EU, điều này cũng sẽ gây trở ngại cho tiến trình hội nhập và phát triển của Liên minh. 

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo