Bức tranh xám màu trong kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo Báo cáo Đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam 2013 – Kết quả điều tra Doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hiện mọi mặt trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều suy giảm.
Kết quả điều tra cho thấy hình ảnh một bức tranh xám màu về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay so với 2 năm 2009 – 2011. Để phân tích rõ nét hơn về kết quả điều tra, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương đã có trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Theo Báo cáo Đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam 2013– Kết quả điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ thì hiện tại các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đang rất ảm đạm, ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Ông Nguyễn Đình Cung: Trên cơ sở kết quả điều tra về doanh nghiệp tư nhân Việt Nam từ kinh tế hộ gia đình cho đến doanh nghiệp vừa và nhỏ thì có thể nói tình hình hiện nay tương đối ảm đạm thể hiện trên một số vấn đề như: số doanh nghiệp rút khỏi thị trường với một tỉ lệ lớn hơn trước đặc biệt là những doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, quy mô của doanh nghiệp, năng suất lao động của doanh nghiệp cũng đang giảm dần. Số lao động làm việc trong những doanh nghiệp lớn cũng giảm so với cuộc điều tra trước.
Số doanh nghiệp đáng lẽ phải chuyển từ phi chính thức sang chính thức thì trong 2 năm vừa rồi có xu hướng ngược lại. Những doanh nghiệp đã đăng ký thì giải thể hoặc ngừng hoạt động hoặc chuyển sang hoạt động dưới hình thức không đăng ký hoặc phi chính thức.
Tỷ lệ đầu tư của doanh nghiệp cũng giảm xuống. Số doanh nghiệp đầu tư mới giảm, đa dạng hóa sản phẩm và đổi mới sáng tạo trong các sản phẩm cũng giảm hơn trước.
Tựu chung lại tất cả những chỉ tiêu thể hiện tính năng động, phát triển của doanh nghiệp thì đều có xu hướng giảm so với trước. Có thể nói tình hình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 2 năm 2011- 2013 có xu hướng xấu hơn so với cuộc điều tra năm 2009 - 2011. Đây là cuộc điều tra với hơn 2.500 doanh nghiệp ở 12 tỉnh trên cả nước. Số doanh nghiệp này lặp đi lặp lại chứ không phải lần này điều tra một nhóm doanh nghiệp, lần sau lại điều tra một nhóm doanh nghiệp khác. Cho nên kết quả cuộc điều tra lần này thể hiện tương đối chính xác xu hướng phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay.
Vậy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay có tác động như thế nào đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Ông Nguyễn Đình Cung: Về môi trường kinh doanh thì những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp có thể nói là không mới. Ví dụ như doanh nghiệp không tiếp cận được vốn ngân hàng, thiếu thị trường, thiếu năng lực kinh doanh… tất cả những điều đó là điều không mới.
Tuy nhiên trong thời gian vừa rồi có một tác động mới đó là ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng 2009 - 2010 vẫn kéo dài cho đến tận bây giờ. Đại đa số doanh nghiệp vẫn còn trả lời rằng là họ vẫn bị tác động của cuộc khủng hoảng này. Nhưng nhìn vào thể chế kinh tế, nhìn vào môi trường kinh doanh của Việt Nam thì tôi thấy rằng trong hoạt động kinh doanh của họ rủi ro và chi phí kinh doanh cao hơn.
Xu hướng gần đây về giấy phép, về những điều kiện về gia nhập thị trường của doanh nghiệp nhiều hơn. Từ đó tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp có sự suy giảm. Theo tôi điều quan trọng hơn nhiều là phải thúc đẩy được tinh thần hồ hởi trong kinh doanh. Như những năm 2000 chúng ta có thể nhìn thấy được sự bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân ở trong nước, nhìn thấy được sự năng động, sáng tạo và đi đâu người ta cũng bàn về cơ hội kinh doanh còn hơn là đi đâu cũng bàn về việc rủi ro, những chi phí, những rào cản mà do thể chế kinh tế tạo ra.
Trong bối cảnh hiện nay do yếu tố nội tại của doanh nghiệp, do môi trường kinh doanh chưa được cải thiện nhiều, do bối cảnh cuộc khủng hoảng, tất cả điều đó hợp lại cùng một thời điểm làm cho tinh thần kinh doanh không được hào hứng như trước.
Theo tôi vấn đề hết sức quan trọng là phải tạo ra hứng khởi, động lực kinh doanh và tinh thần kinh doanh. Điều đó cần sự thay đổi rất lớn về các chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Quan trọng hơn ở đây là thay đổi tinh thần trong bộ máy hành chính, hãy hạn chế dùng các từ “quản lý”, “kiểm soát” mà thay bằng “thúc đẩy”, “hỗ trợ”, “khuyến khích”. Đó là những thay đổi về não trạng quản lý trong cách thức tạo ra môi trường kinh doanh để thúc đẩy làn sóng đổi mới trong các doanh nghiệp.
Bên cạnh những hạn chế như vậy thì môi trường kinh doanh hiên nay đã có những cải thiện như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Cung: Từ năm 2013 trở lại đây đã có nhiều mặt mới môi trường kinh doanh của Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 đã tạo ra nền tảng hết sức vững chắc đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân. Quốc hội đã và sẽ ban hành một loạt các Luật theo xu hướng là giảm chi phí, giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sắp tới đây sẽ bỏ trần khống chế về chi phí quảng cáo. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng thể hiện tinh thần là tự do kinh doanh. Doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh tất cả các nghành nghề mà Pháp luật không cấm thay vì như hiện nay chỉ được kinh doanh những ngành nghề đã đăng ký.
Vừa rồi Nghị quyết 19 của Chính phủ cũng đã đặt ra hàng loạt các giải pháp theo chỉ tiêu của Ngân hàng Thế giới đặt ra là giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp với tinh thần thực hiện hết sức quyết liệt.
Với tinh thần như vây, theo tôi phải thay đổi nhiều hơn nữa đặc biệt trong bộ máy quản lý Nhà nước ở các Bộ, các địa phương. Với tinh thần như tôi đã nói là bớt đi những từ “quản lý”, “kiểm soát” mà thay vào đó sử dụng mạnh hơn, nhiều hơn những khái niệm, những thuật ngữ như “ thúc đẩy”, “hỗ trợ”, “khuyến khích”. Các cơ quan quản lý cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong sự phát triển hơn là đi quản doanh nghiệp, cần đồng cảm và cùng giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Với cách thức như thế cùng những thay đổi của cơ quan thực thi các chính sách trên. Tôi hi vọng rằng đợt điều tra sau chúng ta sẽ có những kết quả tốt hơn nhờ những chính sách hiện nay chúng ta đang thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Tuấn (ghi)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Cột tin quảng cáo