Bức xúc vì "mang danh" cổ phần
Ít nhất có hai vị lãnh đạo các tổng công ty cổ phần có vốn nhà nước sẽ có những động thái tích cực ngay trong các đề xuất liên quan đến tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước sau khi Chính phủ yêu cầu tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ trong các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tối đa không quá 65% vốn điều lệ.
Người đầu tiên phải kể đến là ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), với nỗi bức xúc về tỷ lệ 89,59% vốn nhà nước trong Sabeco sau nhiều năm mang danh “cổ phần”.
“Cổ phần hóa là để các doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ hoạt động theo thị trường, là tìm được các cổ đông từ bên ngoài. Nhưng 7 - 8 năm cổ phần hóa mà vẫn giữ tới gần 90% vốn nhà nước thì không giải quyết được vấn đề. Khi muốn cổ phần hoá công ty, chúng tôi chắc cũng phải báo cáo Bộ Công thương”, ông Tuất thẳng thắn.
Tình thế tương tự cũng đang diễn ra với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khi ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT cũng phải từng đăng đàn trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc của Tập đoàn, vì dù đã được cổ phần hóa, có nghĩa là phải chịu sự chỉ đạo của đại hội đồng cổ đông, nhưng Petrolimex đương nhiên vẫn phải chịu sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản khi tỷ lệ vốn nhà nước hiện vẫn gần 95%.
“Sau 2 năm cổ phần chưa quyết toán được vì rất vướng do các văn bản thay đổi. Đó là chưa kể, với hệ thống văn bản quy định cho doanh nghiệp nhà nước hiện tại, thì doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhà nước chi phối gần như áp dụng chung với các quy định dành cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước…”, ông Bảo nói.
Thực ra, trước đó, trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013, Ban Kiểm soát của Sabeco cũng đã có kiến nghị Bộ Công thương sớm có kế hoạch bán bớt phần vốn nhà nước để Sabeco trở thành công ty cổ phần đại chúng một cách thực sự, tạo điều kiện cho hiện đại hóa quản trị và minh bạch.
Với Petrolimex, kế hoạch 2 năm tới của Tập đoàn cũng sẽ là thực hiện phát hành thêm 20% cổ phiếu để giảm thị phần của nhà nước xuống còn 75%. Mục tiêu, như ông Bảo nhiều lần nhắc đến, đó là tăng tính công chúng cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp trở thành đại chúng thực sự.
Song, trên rất nhiều diễn đàn, chính các vị lãnh đạo của các doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng đang có tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ rất lớn phải thừa nhận rằng, việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược như mong muốn là vô cùng khó, khi tỷ lệ vốn nhà nước vẫn ở mức chi phối quá lớn.
Đây là lý do ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tha thiết đề nghị cân nhắc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các ngân hàng thương mại cổ phần xuống dưới 65%, sau đó giảm tiếp để còn khoảng 50 - 51%. “Có như vậy mới tạo được tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư chiến lược, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Bắc Hà phân tích.
Thực tế cũng cho thấy, nhà đầu tư chỉ chấp nhận trở thành nhà đầu tư chiến lược, chấp nhận mức giá cao khi mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nếu như tỷ lệ sở hữu cho phép họ có ý kiến đủ mạnh để tham gia vào quản trị doanh nghiệp. “Nếu tỷ lệ cổ phần họ được sở hữu chỉ có quyền nghe là chính, thì doanh nghiệp dù có giá rẻ họ cũng không quan tâm”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nói.
Trên thực tế, mọi việc khó có thể thay đổi ngay, bởi khá nhiều đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với những tỷ lệ sở hữu nhà nước đã được phê duyệt cho đến năm 2015. Dù vậy, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được kỳ vọng tăng tốc, khi Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa được ban hành ngày 6/3/2014.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp này có trách nhiệm trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ theo quy định và tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo