Bưởi Năm Roi sắp tuột tay chứng nhận GlobalGAP
Đó là bưởi Năm Roi của Hợp tác xã bưởi Năm Roi Mỹ Hòa huyện Bình Minh được công nhận vào tháng 9/2008 và chôm chôm Java của Hợp tác xã chôm chôm Tân Khánh, xã Tích Thiện huyện Trà Ôn được công nhận ngày 24/2/2012.
Tuy nhiên, đến nay thời hạn của các giấy chứng nhận này đều đã hết, việc tái công nhận tiêu chuẩn Global GAP cho hai loại trái cây này đều rất khó khăn do không có kinh phí thực hiện và nguy cơ mất thương hiệu Global GAP là rất cao.
Năm 2010, chứng nhận GlobalGAP của bưởi Năm Roi đã đến hạn tái kiểm định để công nhận lại nhưng Hợp tác xã không thực hiện được vì thiếu kinh phí.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa cho biết do quá trình đầu tư tái công nhận Global GAP của Hợp tác xã đến nay vẫn chưa thực hiện được nên có một số hộ trong Hợp tác xã đã rút ra và tham gia vào quy trình sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn Global GAP của Công ty Trách nhiệm hữu hạn The Fruit Republic.
Công ty này đang hỗ trợ và hướng dẫn nông dân tham gia chương trình thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc, tỉa cắt cành và bao trái để phòng chống sâu đục trái bưởi. Số hộ còn lại trong Hợp tác xã vẫn đang trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên để tiếp tục sản xuất theo quy trình GlobalGAP.
Để tháo gỡ khó khăn về kinh phí tái công nhận GlobalGAP, ông Nguyễn Thành Phan, Bí thư huyện ủy Bình Minh cho biết huyện đã báo cáo và sẽ có văn bản đề xuất tỉnh hỗ trợ phần kinh phí này.
Phía ngành chuyên môn, ông Phan Nhật Ái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì cho biết nhận được văn bản đề nghị của địa phương, Sở sẽ cử cán bộ chuyên môn đi thẩm định. Nếu hợp lý Sở sẽ trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phương án hỗ trợ hoặc tìm kiếm doanh nghiệp phối hợp với địa phương hỗ trợ cho Hợp tác xã.
Cũng có ý kiến cho rằng Hợp tác xã không khẩn trương xúc tiến hồ sơ, nguồn lực mà trông chờ vào cấp trên. Vì vậy, nguy cơ mất chứng nhận GlobalGAP là rất lớn. Số tiền Hợp tác xã cần hỗ trợ khoảng 8.000 USD, nếu Ban chủ nhiệm Hợp tác xã chủ động và tích cực, địa phương và ngành chức năng phối hợp chặt và kịp thời để tìm giải pháp tháo gỡ thì đây không phải là một khó khăn lớn.
Chôm chôm Java của Hợp tác xã chôm chôm Tân Khánh, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn cũng đang đứng trước nguy cơ như thế.
Ngày 24/2/2012, Hợp tác xã chôm chôm Tân Khánh đã được nhận giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho sản phẩm chôm chôm Tân Khánh với diện tích 27ha.
Đến cuối tháng 12/2012, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của 41 hộ nông dân thuộc Hợp tác xã chôm chôm Java Tân Khánh đã hết hạn. Để được tái công nhận trở lại, Hợp tác xã phải đáp ứng được khoản kinh phí gần 100 triệu đồng trong khi đó Hợp tác xã lại không có kinh phí.
Trong xu thế phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, để sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh và vươn xa trên thị trường quốc tế, việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch, an toàn theo quy trình GlobalGAP là điều tất yếu.
Nhưng hiện nay, tại Vĩnh Long, có một nghịch lý là ngành chuyên môn đang tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn, vận động nông dân phát triển sản xuất nông sản và xây dựng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; khi đã đạt rồi lại không đủ sức duy trì và thực hiện tái công nhận tiêu chuẩn.
Nếu các ngành chức năng và địa phương không có giải pháp hỗ trợ tích cực đối với những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP thì việc nông dân xin ra khỏi các mô hình sản xuất sạch như ở Hợp tác xã bưởi Năm Roi Mỹ Hòa là chuyện rất đáng tiếc./.
Hồng Lĩnh (Theo TTXVN)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'