Tin tức - Sự kiện

Buổi sáng bồng bềnh trên chợ nổi Cái Răng

Từ bến Ninh Kiều đi thuyền đến chợ nổi Cái Răng khoảng 5km, chợ họp cả ngày nhưng đông đúc nhất vào buổi sáng sớm. Tiếng máy nổ giòn giã của ghe xuồng, tiếng nước vỗ mạnh ì oạp vào mạn ghe, tiếng người dân mua bán tấp nập trên sông tạo nên một thứ âm thanh đặc trưng của chợ trên sông nước miền Tây Nam Bộ.

 

Đến bến Ninh Kiều đi xuồng xuống chợ nổi Cái Răng, du khách sẽ được thả hồn vào nắng gió sông nước, trong cái mênh mông cuồn cuồn chảy của dòng sông, hàng trăm chiếc ghe xuồng san sát nhau chở nông sản, người mua kẻ bán tấp nập từ 5 – 6 giờ sáng.

 

Phải đi thật sớm mới cảm nhận được hết cái độc đáo của chợ nổi và cuộc sống lênh đênh trên sông nước.

 

Tầm khoảng 8 giờ mặt trời ló dạng chiếu xuống lòng sông lấp lánh ánh bạc, ghe xuồng chở nông sản đổ đi mọi hướng, trong nháy mắt đã vãn chợ, chỉ còn một vài ghe chất hàng hóa bán cho khách du lịch đến thăm quan chợ.

 

 

Chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối, các mặt hàng nông sản như gạo, bí ngô, xoài, dưa, dừa, dứa,... chất đầy trên ghe xuồng được thương lái mua lại phân phối đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
 
 
Cũng có người đến mua hàng sau đó chèo ghe đi vào con lạch nhỏ san sát ngôi nhà ven sông bán cho người dân sinh sống ở đó.
 
 
Người dân nơi đây quanh năm gắn bó với sông nước, đàn ông nước da rám nắng phong sương, có lẽ ấn tượng nhất là hình ảnh những người phụ nữ mưu sinh âm thầm và lặng lẽ trên sông.
 
 
Họ mặc chiếc áo bà ba, đầu đội nón lá nghiêng nghiêng mang những nét bình dị, mộc mạc của người con gái miền Tây, tay khua chèo mái chèo chở lương thực, hoa quả bồng bềnh trên sông nước, có người thì mang đồ ăn, thức uống đi mời chào thương lái, khách du lịch bằng chất giọng nhẹ nhàng ấm áp, đặc sệt tiếng miền Tây.
 
 
Việc mua bán, trao đổi hàng hóa trên sông từ ghe xuồng này sang ghe xuồng kia của các thương lái rất khéo léo và nghệ thuật. Các thương lái gọi nhau í ới, kẻ tung người hứng các loại củ quả bằng đôi tay thoăn thoắt, không để trái nào rớt xuống sông.
 
 
Cách quảng cáo chào hàng trên chợ nổi Cái Răng cũng rất thu hút, trở thành nét đặc trưng trong cách buôn bán của người dân nơi đây.
 
 
Người bán hàng sẽ trưng bày lủng lẳng trên sào hay còn gọi là cây bẹo chống trước mũi xuồng ghe các loại nông sản như dưa hấu, bưởi, dứa, dừa,... khách chỉ nhìn bẹo hàng là biết trên ghe bán mặt hàng nào.
 
 
Cảnh mua bán diễn ra tấp nập, san sát ghe xuồng nhưng không xảy ra bất cứ sự va chạm nào trên sông, sự nhường nhịn nhau để mưu sinh vùng sông nước dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của họ.
 
 
 
Đến chợ nổi Cái Răng, du khách sẽ tận tay lựa chọn, thưởng thức hoa quả miệt vườn ngay trên xuồng, hít căng lồng ngực tận hưởng không khí trong lành, thư thái từ hương trái cây và sông nước thổi lên vào buổi sáng sớm.
 
 
Mỗi chiếc ghe như một gian hàng lưu động, mặt hàng nào cũng có, dịch vụ đồ uống như nước giải khát, cà phê, thuốc lá phục vụ tiểu thương và du khách đầy trên ghe xuồng bám sát mạn thuyền để chào mời khách hàng.
 
 
Chợ nổi Cái Răng từ lâu đã thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn khung cảnh sông nước Miền Tây. Theo anh Tư chủ tàu du lịch, trung bình mỗi ngày anh chở 5 đoàn khách đến tham quan chợ, vào những ngày giáp tết âm lịch như thế này khách đến rất đông, số lượng hàng hóa, ghe xuồng cũng tăng lên gấp nhiều lần so với ngày thường.
 
Từng đoàn tàu chở khách du lịch như bị cuốn vào cảnh mua bán tấp nập trên sông, thiên đường của các loại hoa quả miệt vườn khiến du khách ra về không quên mua trái cây về làm quà cho gia đình, người thân. 
 
Chợ nổi Cái Răng là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn mang nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ không thể nào bỏ qua khi đến Cần Thơ.
 
  
Giây phút nghỉ ngơi của các tiểu thương sau khi chợ đã vãn.
  
Hàng nông sản chất đầy trên ghe được phân phối đi khắp các nơi.
  
Ghe cũng là nhà, mọi hoạt động mua bán và sinh hoạt đều diễn ra trên ghe.
  
Bên trong một ngôi nhà dân sống trên chợ nổi Cái Răng, không gian sống khá chật hẹp đủ các loại hàng hóa nông sản và các vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt.
 
Một góc nhỏ những ngôi nhà của người dân sống ven chợ nổi.
 
 
Bảo Hiếu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo