Buồn cho VNPT, vui cho thị trường
Sau một thời gian dài chờ đợi, tiến trình tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước đã có một bước tiến quan trọng khi mới đây Thủ tướng ban hành Quyết định 888, trong đó phê duyệt đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Theo đề án này, VNPT phải chuyển nguyên trạng MobiFone về Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời phải thoái vốn hoàn toàn khỏi 63 công ty mà doanh nghiệp này có vốn đầu tư, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như tài chính, bất động sản, điện lực, sản xuất và dịch vụ.
VNPT hiện có vốn điều lệ 70.000 tỷ đồng, sở hữu 8 công ty liên kết, 8 công ty liên doanh và 13 công ty con.
Đó là chưa kể đến các khoản đầu tư ngoài ngành tại hàng chục công ty như Maritime Bank, Sacom, Bảo Minh, Công ty Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch.
Điều đáng nói là mặc dù sở hữu hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành viễn thông như MobiFone, VinaPhone, Công ty Viễn thông Liên tỉnh, Công ty Viễn thông Quốc tế Việt Nam hay Công ty Dữ liệu và Truyền thông Việt Nam, nhưng tính hiệu quả của VNPT đã không đạt được như kỳ vọng.
Ngoại trừ MobiFone, các đơn vị còn lại trong Tập đoàn đều có hiệu quả kinh doanh thấp.
Năm 2013 lợi nhuận hợp nhất của toàn Tập đoàn chỉ đạt 5.468 tỷ đồng, rất thấp so với tổng doanh thu 130.300 tỷ đồng.
Riêng công ty mẹ VNPT chỉ nhờ khoản lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng của MobiFone chuyển về mới có thể tránh được kết quả thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng.
Vậy những khoản lỗ của VNPT chủ yếu đến từ đâu?
Ngoài các khoản đầu tư vào 2 vệ tinh Vinasat, VNPT còn bị lỗ ở một số công ty ngoài ngành như Công ty Tài chính Bưu Điện (lỗ lũy kế 635 tỷ đồng vào năm 2012).
Tổng vốn đầu tư ngoài ngành vào 63 công ty mà VNPT buộc phải thoái vốn hoàn toàn trong đợt này là 2.303 tỷ đồng, theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước.
Và VNPT buộc phải tái cấu trúc để gọn nhẹ hơn.
Đã vậy, năm 2011 để gia tăng tính minh bạch và cạnh tranh trên thị trường viễn thông, Chính phủ ra Quyết định 25 quy định một công ty đang nắm hơn 20% cổ phần của một công ty viễn thông thì không được nắm hơn 20% cổ phần của một công ty viễn thông khác.
Quyết định này đã đưa VNPT vào thế kẹt khi nó đồng thời sở hữu cả 2 doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam là MobiFone và VinaPhone.
Trước tình thế đó, VNPT từng kiến nghị Chính phủ cho phép sáp nhập 2 mạng này lại nhưng đã không được chấp nhận vì việc sáp nhập nếu diễn ra sẽ vi phạm Luật cạnh tranh của Việt Nam.
Và đến giờ tham vọng đó đã tan biến khi Quyết định 888 buộc VNPT phải “nhả” đứa con con cưng nhất là MobiFone về cho Bộ Thông tin và Truyền thông.
“Đó là bước đi rất đáng hoan nghênh sau khi bị trì hoãn quá lâu (từ năm 2006). Có thể nói quyết tâm chính trị muốn đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa đã trở lại”, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu của Công ty chứng khoán HSC, nhận xét.
Việc tái cấu trúc của VNPT cũng sẽ mang đến cho nhà đầu tư trong và ngoài nước cơ hội sở hữu những tài sản có giá trị và tiềm năng như Maritime Bank, Sacom, Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Banknetvn (trước đó, VNPT cho biết đã thoái vốn thành công khỏi Tổng Công ty Bảo Minh và Sonadezi Long Thành).
Tuy vậy, có lẽ tài sản mà nhà đầu tư mong đợi nhất chính là MobiFone, bởi sau khi tách ra khỏi VNPT, MobiFone sẽ được cổ phần hóa trong thời gian tới.
Nhận xét về điều này, ông Fiachra cho rằng đây có thể sẽ là một trong những thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất trên thị trường và sẽ mang nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư tài chính, thúc đẩy sự tham gia của họ vào thị trường Việt Nam.
Thị trường niêm yết đang thiếu các cổ phiếu có mức vốn hóa lớn (hơn 1 tỷ USD) mà từ đó các nhà đầu tư tài chính có thể tham gia với mức vốn 20 triệu USD hay nhiều hơn.
MobiFone chắc chắn sẽ là công ty nằm trong danh sách “phải mua” của các quỹ đầu tư lớn nước ngoài.
Đối với MobiFone, công ty cũng có thể hưởng lợi từ việc cổ phần hóa, đặc biệt là được tiếp cận các nguồn lực để cạnh tranh với VinaPhone, Viettel.
Theo ông Fiachra, cổ phần hóa sẽ cho phép MobiFone có thể nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác chiến lược cũng như cải thiện nguồn vốn, cả về vốn điều lệ lẫn vốn đi vay.
Theo Công ty Chứng khoán HSC, giá trị của MobiFone hiện lên tới 3,4 tỷ USD và có thể đạt hơn 4 tỷ USD vào thời điểm IPO.
Nhưng đối với VNPT, nỗi buồn sẽ nhiều hơn là niềm vui khi trước mắt, chỉ riêng việc ra đi của MobiFone sẽ khiến cho Tập đoàn mất đi 48% doanh thu và 70% lợi nhuận.
Nhưng có lẽ về lâu dài, điều này sẽ mang lại lợi ích cho VNPT khi tập đoàn này buộc phải cấu trúc lại bộ máy cho hiệu quả hơn, cũng như phải tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư thay thế trong và ngoài nước.
“VNPT cần minh bạch thông tin hơn, xác định rõ ràng mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cho mỗi đơn vị trong Tập đoàn. VNPT cũng cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích những người điều hành hoàn thành vượt chỉ tiêu và nên thiết lập một thời gian biểu cho quá trình cổ phần hóa các công ty còn lại trong Tập đoàn”, ông Fiachra khuyến nghị.
Hy vọng một khi “bom tấn” VNPT bùng nổ sẽ gây ra phản ứng dây chuyền đối với các tập đoàn kinh tế khác trong quá trình tái cấu trúc cũng như cổ phần hóa, mà trước mắt là đối với Vietnam Airlines và Vinatex.
Điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả nền kinh tế cũng như thể hiện cam kết cải cách mạnh mẽ của Chính phủ đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Theo Nhịp cầu Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo