Thị trường

Buôn hàng điện máy lo ngay ngáy vì tồn kho

Liên tiếp trong 3 tháng trở lại đây, sức mua các mặt hàng điện máy đều sụt giảm khiến doanh nghiệp còn tồn một lượng hàng lớn. Để cứu vãn tình thế, hàng loạt các doanh nghiệp đang ra sức chạy đua xả hàng tồn vào tháng 12 này.

Bà Dương Thủy, đại diện Công ty Cổ phần Thế giới di động cho biết, thị trường điện máy từ điện thoại, laptop, máy tính bảng, điện tử, điện lạnh… trong tháng 11 vừa qua đều không khả quan, giảm từ 3 – 10%. Trong đó, thị trường laptop, điện tử khá trầm lắng so với các tháng trước đây, với số lượng bán cứ “giậm chân tại chỗ” vì sức mua cầm chừng, khách đến siêu thị vẫn chưa nhộn nhịp... Riêng chỉ có mặt hàng điện lạnh tháng 11 tăng khoảng 5 – 10% so với tháng 10 về số lượng, doanh thu cũng tăng trưởng 5% so với tháng trước.
 
Từ chối tiết lộ con số hàng tồn kho của công ty nhưng theo ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần thương mại Nguyễn Kim: “Hiện nguồn hàng tồn vẫn còn rất lớn, dù công ty đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, cộng với các chương trình hợp tác với ngân hàng bằng thẻ visa được giảm giá từ 10 – 20%, thị trường tiêu thụ mới nhích lên được chút đỉnh nhưng không ăn thua”.

Ông Thy cho biết thêm, tháng 12 được coi là tháng để các doanh nghiệp trông chờ sức mua sẽ bật mạnh và coi đó là tháng giải phóng hàng tồn kho. Vì đây là thời điểm người tiêu dùng có thói quen mua sắm đồ mới vào dịp cuối năm. Song, hiện tại, hầu hết tất cả các hãng đều tung ra những chiêu bài để cạnh tranh cả về giá và chất lượng nên người tiêu dùng sẽ chọn mua những siêu thị nào gần nơi họ ở để thuận tiện mua sắm. Do đó, sẽ không có nhiều bất ngờ xảy ra vào cuối năm.

Ông Robert Vu, Giám đốc kinh doanh toàn quốc ngành điện tử của Samsung Việt Nam cũng lo ngại, thời điểm bùng nổ dịp mua sắm cuối năm chưa thể xác định được chính xác do tình hình kinh tế chung còn khá phức tạp. Trong khi, lượng hàng tồn kho vẫn còn khá nhiều nên các nhà sản xuất và nhà bán lẻ đều đang dè chừng trong kế hoạch sản xuất, tiêu thụ.

Trước tình hình lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp vẫn còn khá lớn, nhiều người tiêu dùng không khỏi lo ngại, một số doanh nghiệp sẽ lợi dụng khuyến mãi để bán hàng tồn, kém chất lượng và lỗi mốt. Trao đổi vấn đề này, ông Thy cho hay, với tiêu chí luôn luôn bán hàng chính hãng, nên tất cả các sản phẩm khi đưa vào kinh doanh, đương nhiên các sản phẩm này phải đạt các tiêu chuẩn như bảo hành… nên không có chuyện này.

Tuy nhiên, theo anh Trần Văn Thi, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ điện tử trên đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh thì cuối năm các siêu thị thường tung ra chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm và xả hàng tồn kho, với chính sách giá rẻ. Song, thực tế, các sản phẩm này phần lớn là những sản phẩm công nghệ, điện tử điện lạnh một là bị dính lỗi hoặc những model đã cũ. Riêng đối với những sản phẩm nằm trong “nhóm an toàn” thì thường được tăng giá cao từ trước đó và chỉ đợi đến khi khuyến mại sẽ giảm giá xuống từ 10 – 15%. Như vậy, giá thấp hơn so với bên ngoài không hề nhiều, nên các doanh nghiệp vẫn có lãi.

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, rất khó để đánh giá được chất lượng và giá cả mà người tiêu dùng sẽ được hưởng từ các chương trình khuyến mãi. Để kiểm soát việc này, Sở sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về lĩnh vực giá của các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố. Bà Đào cũng khẳng định, sẽ không để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đến người tiêu dùng.

 

 

Thảo Nguyên (Theo Infonet)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo