Tin tức - Sự kiện

Buồn vui chuyện hòa giải ly hôn nơi làng quê

Để hòa giải các cặp đôi "sứt mẻ" được thành công, không còn xảy ra cảnh “tan đàn xẻ nghé” của nhiều cặp vợ chồng, những người "vác tù và làng xã" phải linh hoạt vận dụng nhiều cách, áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt, mềm dẻo nhưng lại cương quyết...

Quá trình công tác của mình, tôi nhớ mãi kỷ niệm một lần tôi cùng các hòa giải viên tham gia hòa giải cho một cặp vợ chồng trong thôn. Người chồng từ diện mạo đến tài năng không có gì nổi bật. Trong khi người vợ lại sắc sảo ưa nhìn. Một tay chị lo toan hết thảy từ việc đồng áng, chăn nuôi, đến làm ăn buôn bán. Thu nhập hàng ngày của chị ngoài đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà còn dành dụm để xây dựng được một ngôi nhà khang trang.  

Không giống như nhiều cô vợ khác, kiếm ra tiền liền tỏ ý coi khinh chồng, người vợ trong câu chuyện này lại rất yêu, chiều chồng. Biết tính chồng ưa uống rượu, bữa nào chị cũng chuẩn bị đồ nhắm ngon cho anh. Phần người chồng, dường như được chiều quá sinh hư. Sẵn tâm lý thua kém vợ, rượu vào anh lại mang vợ ra chửi, có bận còn mang quần áo của vợ ra giữa sân tẩm xăng châm lửa đốt. Chị vợ trước tình cảnh như thế bèn nhờ anh em nhà chồng đến khuyên ngăn. Cũng có lần, anh ta nghe ra rồi hứa sẽ thay đổi nhưng  dăm bữa nữa tháng lại chứng nào tật nấy, rượu vào ai đến khuyên can, anh ta đuổi tất. 

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Mâu thuẫn kéo dài, người vợ mệt mỏi nhiều lần muốn gửi đơn xin ly hôn lên UBND xã nhưng lại phân vân vì nghĩ mình đã ở tuổi ông, tuổi bà lại đem nhau ra tòa ly hôn, mai này con cái ra đường còn dám nhìn mặt ai. Tờ đơn ly hôn cứ thế chị viết nhiều lần không xong. Sau đó, chị đến gặp trưởng ban công tác hòa giải tâm sự chuyện mình và ngỏ ý nhờ tổ hòa giải hàn gắn giúp hạnh phúc gia đình.

Một lần khi mâu thuẫn giữa hai vợ chồng lên đến cao trào, anh chồng đuổi đánh vợ khiến xóm thôn náo loạn, tổ hòa giải liền vào cuộc khuyên can. Thế nhưng, vừa nhìn thấy các cán bộ hòa giải, anh chồng hung dữ chạy vào nhà vác  con dao to ra chỉ thẳng vào mặt các hòa giải viên quát: “Chuyện gia đình tao, tao giải quyết, không khiến ai can thiệp”. Biết rằng người chồng đang cơn  nóng giận, việc can ngăn khuyên giải lúc này không khéo còn phản tác dụng,  nên mọi người đành lùi ra xa. Sau tìm hiểu, tổ hòa giải nghe được thông tin anh chồng còn biết sợ đồng chí trưởng công an xã. Ngày hôm sau, UBND xã liền cho mời hai vợ chồng lên trụ sở ủy ban, còn mời thêm cả trưởng công an xã sang cùng làm việc.  

Tại buổi làm việc, nhờ sự phân tích, giải thích của hòa giải viên, cán bộ xã, đồng chí công an xã, người chồng dần nhận ra rằng hành vi của mình về tình là không đúng, về lý còn vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo hành gia đình. Anh ta đã làm bản cam kết từ nay sẽ không đánh vợ, tu chí làm ăn. Vụ việc được hòa giải thành.

Những chuyện mâu thuẫn, cãi vã như hai vợ chồng như trường hợp ở trên không phải hiếm gặp. Rất nhiều lần, tôi chứng kiến cảnh các hòa giải viên đến khuyên ngăn, tuyên truyền vận động thì bị xua đuổi.  Nhưng bằng cái tâm của người làm công tác hòa giải, cao hơn là mong muốn những cặp vợ chồng nơi xóm thôn mình sống hòa thuận, hạnh phúc nên các hòa giải viên lại kiên trì với công việc của mình. Mỗi vụ việc xảy ra, hòa giải viên lại họp bàn, nghĩ đủ mọi cách để hàn gắn, không để những hậu quả đau lòng xảy ra. Có thể thấy, các hòa giải viên đang ngày càng góp phần quan trọng vào việc hàn gắn các gia đình “sứt mẻ” ở làng quê.  

Theo báo PLXH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo